Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường càng lớn. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ gặp nhiều biến chứng hơn so với người trẻ tuổi. Do đó việc trang bị cho mình những kiến thức để tránh xa căn bệnh này là điều cần thiết. Hôm nay, ICondom xin gửi tới bạn đọc “cách phòng tránh bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi”. Hãy theo dõi nhé!
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (hay còn gọi tiểu đường) là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ glucose trong cơ thể. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, khi máu mang đường đến các cơ quan. Insulin sẽ giúp đường đi vào trong tế bào, từ đó tế bào sẽ sử dụng đường để sinh năng lượng cho cơ thể. Hậu quả là đường trong máu tăng cao và chúng sẽ bài tiết ra ngoài qua đường nước tiểu gọi là bệnh đái tháo đường.
Tiểu đường là bệnh lý phổ biến, thường gặp nhất ở người cao tuổi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người cao tuổi là do những thay đổi về chuyển hóa glucose, từ đó việc tiết insulin bị rối loạn và kháng insulin cũng tăng lên theo tuổi.
Ngoài ra, người cao tuổi thường dùng nhiều loại thuốc điều trị có ảnh hưởng đến đường máu và lối sống ít hoạt động khiến họ thường béo phì hoặc thừa cân.
Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), vào năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người mắc bệnh tiểu đường, dự kiến sẽ ở mức 578 triệu người vào năm 2030 (trong độ tuổi 20-79). Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đang gia tăng nhanh chóng, số bệnh nhân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Vào năm 2019 số người mắc bệnh đái tháo đường lên tới 3,53 triệu người, trong đó khoảng 2/3 số bệnh nhân là người lớn tuổi.
Có 2 dạng bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi, thường để phân biệt 2 dạng này thì cần phải được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm mới có thể nhận biết được. Cụ thể:
Bệnh đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 xuất hiện khi tế bào beta ở tuyến tụy bị phá hủy, khiến cơ thể không sản xuất hoặc sản xuất rất ít insulin. Quá trình này sẽ tác động đến việc chuyển hoá glucose bị ngưng trệ và làm lượng đường tích tụ trong máu. Bệnh có thể gặp ở bất kì đối tượng nào, kể cả người trẻ tuổi và lớn tuổi.
Bệnh đái tháo đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 là khi cơ thể vẫn còn sản xuất được insulin, nhưng lượng insulin không đủ dùng hoặc do tế bào không sử dụng được, hoặc do cả 2 nguyên nhân trên. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 không cần phải tiêm insulin, vì vậy loại này còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng cần tiêm insulin mới kiểm soát được đường của mình.
Các đặc điểm của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi
Thường có nhiều người bị tiểu đường trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm mà không nhận ra mình đã mắc bệnh vì những dấu hiệu có thể xuất hiện một cách không đáng kể. Nên việc nắm rõ một vài dấu hiệu nghi ngờ bệnh tiểu đường là cần thiết để bạn và gia đình biết được khi nào thì nên gặp bác sĩ để chẩn đoán đái tháo đường sớm nhất có thể.
Cơ thể sụt cân bất thường
Cơ thể chúng ta luôn cần nhiên liệu để có thể trao đổi chất và hoạt động một cách trơn tru. Và nhiên liệu chính cho cơ thể con người chính là đường (glucose). Tuy nhiên đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nên buộc nó phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Việc thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, làm tiêu mỡ nên dẫn đến kết quả sụt cân. Nếu bạn trong trường hợp này, hãy nhớ kiểm tra sức khỏe tổng quát ngay nhé.
Tiểu tiện nhiều lần trong ngày
Nếu số lần đi tiểu trong một ngày của bạn tăng đột ngột bất thường và kéo dài, có thể bạn đã bị đái tháo đường. Việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cũng có thể là do cơ thể bạn muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn nên sẽ đi tiểu nhiều hơn.
Liên tục khát nước
Hay cảm thấy khát nước mặc dù đã uống khá nhiều nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ tự động lấy phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư thừa. Các tế bào lúc này bị thiếu nước trầm trọng sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.
Hay cảm thấy đói và dễ mệt mỏi
Người bị bệnh tiểu đường không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, do đó đường sẽ tích trữ lại trong máu và thải ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng lên nhằm bù lại phần năng lượng bị thiếu hụt, dẫn đến cảm giác đói lã và mệt mỏi thường xuyên.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi
Người cao tuổi khi mắc đái tháo đường dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng về mắt: Lượng đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người bệnh bị suy giảm hoặc tệ hơn có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những biến chứng về mắt thường gặp như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,… cũng có thể xảy ra.
- Biến chứng về tim mạch: Ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch xảy ra thường do xơ vữa động mạch hoặc do các nguyên nhân khác. Bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường bao gồm: thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ nhồi máu não, thiếu máu não, xơ vữa động mạch chi dưới, chi trên…
- Biến chứng về thận: Chức năng của thận là lọc máu, nếu lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây tổn thương hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận.
- Biến chứng nhiễm trùng: Khi lượng đường trong máu cao sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó dễ gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.
Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi
Hầu hết các yếu tố liên quan đến bệnh đều thuộc về hành vi, do đó chúng ta có thể phòng ngừa được nếu nhận biết sớm và thay đổi hành vi. Từ bỏ những thói quen có hại và có một lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa và giảm thiểu biến chứng của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi. Dưới đây, ICondom sẽ cung cấp cho bạn 1 số giải pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi:
Thường xuyên vận động thể chất
Lối sống ít vận động sẽ làm cơ thể mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Khi vận động cơ thể tăng cường sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Hơn nữa, tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm cân, làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và một số bệnh ở người lớn tuổi. Một số bài tập nhẹ nhàng như: yoga, dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe…
Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh chứa rất nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe đường ruột và giúp kiểm soát cân nặng hợp lý. Nghiên cứu cho thấy những người béo phì, người cao tuổi và tiền tiểu đường khi ăn nhiều chất xơ sẽ giúp giữ lượng đường trong máu và insulin ở mức thấp.
Các loại rau củ chứa nhiều chất xơ nên ăn như: cà rốt, rau bina (cải bó xôi), atiso, măng tây, rau diếp cá, rau má, củ cải đường, bí đỏ, bông cải xanh, nấm, khoai lang cũng có một lượng lớn chất xơ.
Hạn chế thức ăn nhanh
Trong thức ăn nhanh có chứa tinh bột tinh chế, đường, muối và nhiều chất béo. Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Minnesota (Mỹ) cho thấy, những người sử dụng thức ăn nhanh nhiều hơn hai lần một tuần đã phát triển gấp đôi tỷ lệ kháng insulin và tăng trọng lượng hơn so với những người ăn thức ăn nhanh ít hơn một lần một tuần. Do đó, khi thèm ăn bạn nên chọn các loại hạt hoặc trái cây để thỏa mãn nhu cầu.
Uống trà xanh
Uống nhiều trà xanh có tác dụng chống lại bệnh tiểu đường, vì chúng có chứa các chất chống oxy hóa tên là polyphenol. Ngoài ra, trong trà xanh có chứa một hợp chất gọi là epigallocatechin gallate (EGCG) đã được chứng minh làm tăng độ nhạy insulin và làm giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, bạn nhớ uống trà xanh mỗi ngày nhé!
Kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên
Một trong những cách tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường là thường xuyên kiểm tra lượng glucose trong máu. Người trên 45 tuổi nên kiểm tra hàm lượng đường trong máu 3 lần 1 năm. Người thừa cân, béo phì hoặc có huyết áp cao nên kiểm tra thường xuyên hơn và chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi.
Xem thêm
Be the first to write a comment.