Tình trạng vỡ ối non rất hiếm khi xảy ra nhưng lại là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và em bé. Vậy các mẹ bầu biết gì về hiện tượng vỡ ối non? Trong bài viết dưới đây, ICondom sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này
Vỡ ối non là gì?
Vỡ ối non là một biến chứng trong thai kì, thường xảy ra ở những tháng cuối trong thời kỳ thai nghén. Khi tình trạng này xảy ra, túi ối bao quanh em bé bị vỡ ra trước tuần thứ 37, khi túi ối vỡ sẽ gây ra nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và tăng nguy cơ sinh non.
Nguy cơ chủ yếu của tình trạng này là sinh non và các nguy cơ biến chứng mang thai khác bao gồm nhiễm trùng ối, sa dây rốn và chèn ép dây rốn
Nguyên nhân vỡ ối non là gì?
Khoảng 3% trong tổng số các trường hợp mang thai xảy ra tình trạng này, trong đó mẹ bầu hút thuốc lá là nguy cơ cao nhất gây ra vỡ ối non.
Vỡ ối non trước khi bước vào giai đoạn kết thúc của thai kì có thể xuất phát từ sự suy yếu tự nhiên của màng ối, lực co bóp tử cung.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng tử cung kèm theo một số yếu tố nguy cơ như:
- Không được chăm sóc đầy đủ và đúng cách trước sinh
- Nhiễm trùng đường âm đạo, các bệnh lây qua đường tình dục như nhiễm nấm chlamydia và bệnh lậu
- Có tiền sử sinh non trước đây
- Bị các bệnh như chảy máu âm đạo, …
- Mẹ hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động trong thời gian mang thai,…
- Trong một số trường hợp không tìm được nguyên nhân rõ ràng cho tình trạng này
Dấu hiệu vỡ ối non như thế nào?
Dấu hiệu vỡ ối non ở mỗi phụ nữ sẽ có những sự khác nhau nhất định, tuy nhiên có thể kể đến một số dấu hiệu thường gặp như:
- Âm đạo bất ngờ chảy dịch: Cần phân biệt nước rỉ ra từ âm đạo là nước ối hay nước tiểu bằng cách ngửi mùi : nếu nước rỉ ra từ âm đạo có mùi khai , giống amoniac, đó có thể là nước tiểu, nếu nước rỉ ra có mùi thơm ngọt thì có thể là nước ối (trừ trường hợp bị nhiễm trùng, nước ối sẽ có mùi hôi )
- Cảm giác ẩm ướt ở đồ lót
- Khi thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào, mẹ nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chuẩn đoán vỡ ối non như thế nào?
Có một số cách chẩn đoán vỡ ối non cho mẹ, điều này giúp mẹ có thể nhận biết và phát hiện kịp thời tình trạng vỡ ối non của mình và tới bệnh viện kịp thời :
- Thực sự nhìn thấy nước ối chảy ra từ cổ tử cung cho chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ có thể dùng mỏ vịt để thăm khám âm đạo để kiểm tra dịch chảy ra và dây rốn
- Thử nghiệm nitrazine có thể giúp chẩn đoán xác định, tuy nhiên sự hiện diện của nước tiểu, tinh dịch và chất gây ô nhiễm khác có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính giả
- Kiểm tra băng vệ sinh thường xuyên
- Siêu âm nhằm đánh giá tình trạng thai và lượng dịch
- Kiểm tra độ cân bằng PH của nước ối khác với dịch âm đạo và nước tiểu, sử dụng giáy quỳ để kiểm tra vấn đề này
- Nhìn vào kính hiển vi: Khi nước ối khô, có hoa văn giống cây dương xỉ
Điều trị vỡ ối non như thế nào?
Việc điều trị nên được tiến hành tại các cơ sở y tế có chuyên môn, kĩ thuật cao. Và việc này hoàn toàn phụ thuộc vào triệu chứng và tình trạng sức khỏe của người mẹ.
- Nhập viện và nghỉ ngơi tại giường: Bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu liệu bạn có cần làm các biện pháp hỗ trợ sinh hay không : dấu hiệu chuyển dạ hoặc các cơn gò, cử động, nhịp tim của thai nhi, dấu hiệu nhiễm trùng
- Thuốc: Việc dùng thuốc hoàn toàn do chỉ định của các bác sĩ và các mẹ cần tuyệt đối tuân thủ điều này, một số thuốc có thể sử dụng như: Corticosteroid loại thuốc này có thể kích thích sự trưởng thành phổi của thai nhi, làm giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sinh non, kháng sinh có tác dụng phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng, một số loại thuốc sản khoa khác : ngăn chặn chuyển dạ sinh non.-
- Khởi phát chuyển dạ: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và bé hoặc cả hai mà bác sĩ có thể cho mẹ bầu sử dụng thuốc khởi phát chuyển dạ sớm, điều này sẽ được cân nhắc giữa lợi ích và nguy hại.
Biến chứng của vỡ ối non?
Một số biến chứng có thể gặp như :
- Sinh non: Vỡ ối sớm là nguyên nhân của 1⁄4 các ca sinh non
- Nhiễm trùng nước ối và nhiễm trùng màng ối
- Nhau thai bong non
- Các vấn đề về dây rốn
- Sinh mổ,..
Những ai có nguy cơ vỡ ối non?
Một số mẹ bầu có nguy cơ bị vỡ ối non như:
- Chảy máu âm đạo trong thời gian mang thai
- Mắc các bệnh đường sinh dục như viêm nhiễm,..
- Đã từng có tiền sử sinh non trong lần mang thai trước đây
- Hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động trong thời gian mang thai
Một số lưu ý mẹ bầu cần biết về vỡ ối non
- Hiện tại chưa có bằng chứng về việc hướng dẫn thực hành lâm sàng những lợi ích và tác hại của việc chuyển dạ ngay so với kéo dài thai kì cho các mẹ bị vỡ ối non. Việc chuyển dạ sinh thường sẽ được xem xét tại tuần thứ 34
- Nếu tiếp tục mang thai đến sau 36 tuần mẹ có nguy cơ viêm màng ối và giảm nguy cơ gặp các vấn đề về đường hô hấp cho bé
- Với những sản phụ vỡ ối non (sau 37 tuần) được khuyến cáo không nên trì hoãn việc chuyển dạ quá 96 giờ sau khi vỡ màng ối.
Vỡ ối non là một biến chứng sản khoa nguy hiểm cần được theo dõi và điều trị kịp thời, các mẹ nên theo dõi bất kì một hiện tượng bất thường nào của cơ thể trong thời gian thai kì và đi khám kịp thời tại các cơ sở y tế.
Xem thêm
Be the first to write a comment.