Khi nhận kết quả xét nghiệm máu, có thể thấy nhóm máu Rh dương tính (Rh+) hoặc nhóm máu Rh âm tính (Rh-). Nhiều người cảm thấy lo lắng không biết mình có đang “dương tính” hoặc “âm tính” với bệnh lí nào đó hay không?
ICondom sẽ giải thích cho bạn đọc hiểu hơn về kết quả xét nghiệm nhóm máu Rh qua bài viết sau đây.
Hệ thống nhóm máu Rh
Nhóm máu Rh (viết tắt của chữ Rhesus) là một phân loại nhóm máu quan trọng chỉ đứng sau phân loại nhóm máu ABO (máu A, B, AB, O). Nhóm máu Rh mang đặc trưng di truyền của mỗi cá nhân và sẽ tồn tại suốt đời.
Nhóm máu Rh được chia làm hai loại là: nhóm máu Rh dương (Rh+) và nhóm máu Rh âm (Rh-). Trong tế bào hồng cầu, yếu tố Rh là một loại protein mà bạn “được” hoặc “không được” di truyền từ cha hoặc mẹ. Nhóm máu Rh dương tức là bạn có loại protein này, nếu không có bạn sẽ thuộc nhóm Rh âm tính.
- Rh (+): trên bề mặt hồng cầu mang kháng nguyên Rh
- Rh (-): trên bề mặt hồng cầu không có kháng nguyên Rh.
Nhóm máu Rh thường kết hợp với nhóm máu ABO.
- Các nhóm máu dương tính như A+, B+, AB+, hay O+. (ví dụ nhóm máu A+: người có nhóm máu A và yếu tố Rh dương tính)
- Các nhóm máu âm tính như: A-, B-, AB-, hay O- (ví dụ nhóm máu A-: người có nhóm máu A và yếu tố Rh âm tính)
Kết quả xét nghiệm nhóm máu Rh dương (99.9% dương)
Khi kết quả xét nghiệm máu của bạn có dòng chữ: “Nhóm máu Rh dương (99.9% dương)” có nghĩa là bạn thuộc nhóm máu Rh (+) và số người có nhóm máu Rh (+) giống như bạn chiếm tỉ lệ 99.9 %.
Tỉ lệ Rh (+) và Rh (-) sẽ thay đổi tùy theo chủng tộc
- Việt Nam: nhóm Rh (+) chiếm tỉ lệ cao 99.96% và nhóm Rh (-) là 0,04% (nhóm máu hiếm)
- Người da trắng: nhóm Rh (+) là 85% và nhóm Rh (-) là 15%
- Người Châu Á nói chung có tỉ lệ nhóm Rh (+) > 99%.
Việc cho và nhận của nhóm máu Rh
- Khi bạn có yếu tố Rh dương tính trong máu, bạn có thể tiếp nhận máu từ nhóm Rh (+) hoặc máu Rh (-) khi cần truyền máu.
- Khi bạn có nhóm máu Rh âm tính, bạn chỉ có thể tiếp nhận nhóm máu Rh (-) (trừ trường hợp cấp cứu nguy hiểm tính mạng, không còn cách nào khác phải nhận cả nhóm Rh (+), thông thường chỉ được nhận 1 lần trong đời)
- Nếu người nhóm Rh (-) nhận máu từ người nhóm Rh (+) thì cơ thể sẽ lập tức sản sinh kháng thể chống lại hồng cầu Rh (+), lần truyền máu tiếp theo nếu tiếp tục truyền máu Rh (+) thì sẽ gây ra tai biến truyền máu nghiêm trọng.
Nhóm máu Rh di truyền như thế nào?
Mẹ Rh (+), bố Rh (+) sinh con đa số Rh (+): Bình thường.
Mẹ Rh (-), bố Rh (-) sinh con Rh (-): Bình thường.
Mẹ Rh (+), bố Rh (-) sinh con Rh (+) hoặc Rh (-): Bình thường.
Mẹ Rh (-), bố Rh (+), sinh con Rh (+) hoặc Rh (-): Cần tiêm miễn dịch globulin.
Trường hợp bố và mẹ đều có Rh (+) mà con sinh ra lại có Rh (-), đây là việc hoàn toàn có thể xảy ra do cả bố và mẹ đều mang gen dị hợp tử (Rh+/Rh-) có gen lặn là Rh (-) và nhóm máu của con là sự kết hợp của 2 gen lặn lại với nhau.
Thai phụ nhóm máu Rh-, thai nhi nhóm máu Rh+
Phụ nữ có nhóm máu Rh (-) thì người bạn đời phải làm xét nghiệm yếu tố Rh.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy người chồng có nhóm máu Rh (+): Em bé có thể thuộc nhóm máu Rh (+) hoặc Rh (-). Khi em bé của bạn thừa kế nhóm Rh (+) từ bố sẽ xảy ra tình huống không tương thích yếu tố Rh, kháng thể của người mẹ có thể tấn công tế bào hồng cầu của thai nhi.
Tuy nhiên, lần sinh đẻ đầu tiên của người mẹ Rh (-) sinh con Rh (+) hầu như không xảy ra tai nạn gì. Nhưng trong quá trình sinh con, khi nhau thai bong ra khỏi tử cung dẫn đến một số hồng cầu mang yếu tố Rh (+) của nhau thai lọt vào mạch máu mang Rh (-) của mẹ tạo ra kháng thể chống lại Rh (+) trong máu người mẹ.
Khi người mẹ mang thai lần thứ 2 và thai nhi vẫn có nhóm máu Rh(+), máu của mẹ đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi, các kháng thể trong máu người mẹ sẽ làm biến chất và phá vỡ hàng loạt các hồng cầu của bé, gây ra bệnh về máu trầm trọng, kết quả có thể khiến bé mắc bệnh ngay từ trong bụng mẹ hoặc khi vừa chào đời.
Trường hợp này muốn cứu em bé phải truyền máu cho thai khi thai còn trong bụng mẹ hoặc ngay khi vừa ra đời.
Y học hiện nay cho phép các bác sĩ áp dụng biện pháp tiêm kháng thể chống lại hồng cầu cho người mẹ trong vòng 24-72 giờ sau khi sinh lần thứ nhất. Chất này sẽ kết dính và phá vỡ các hồng cầu Rh (+) của thai nhi truyền qua máu mẹ trong quá trình sinh nở trước khi cơ thể mẹ có thời gian để hình thành kháng thể, giữ cho máu của mẹ hoàn toàn là Rh (-).
Việc tiêm phòng cần thực hiện lại mỗi lần có thai, chuyển dạ sinh con, sảy thai, nạo phá thai.
Trong quá trình mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi sự hình thành kháng thể chống lại Rh (+) của em bé trong cơ thể mẹ. Lần kiểm tra kháng thể thứ nhất là
trong 3 tháng đầu của thai kỳ và lần thứ hai vào tuần thứ 28 của thai kỳ. Nếu như kháng thể không xuất hiện, mẹ sẽ được tiêm tiêm miễn dịch globulin (huyết thanh miễn dịch Rh) giúp ngăn cơ thể mẹ sản sinh ra những kháng thể nguy hiểm chống lại thai nhi. Khi em bé được sinh ra, xác định nhóm máu Rh (+) thì mẹ cần được tiêm thêm 1 mũi nữa.
Phụ nữ nhóm máu Rh dương thì sao?
Phụ nữ mang nhóm máu Rh (+) là hoàn toàn bình thường, không cần phải lo lắng vấn đề tai biến về máu khi mang thai lần đầu cũng như các lần sau.
Be the first to write a comment.