5/5 - (1 bình chọn)

Đau dạ dày là bệnh lý nhiều người gặp phải và có chiều hướng gia tăng mỗi năm tại Việt Nam. Vậy đau dạ dày là gì? Việc tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng đau dạ dày sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong phòng ngừa và điều trị bệnh ngay từ đầu. Hãy cùng ICondom tìm hiểu thêm những kiến thức hữu ích liên quan đến bệnh đau dạ dày trong bài viết sau nhé!

Đau dạ dày là gì?

Theo số liệu cung cấp bởi Hội khoa học Tiêu hóa, có đến 26% dân số Việt Nam mắc phải các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. 70% dân số có nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày. Trong đó, nguy cơ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 4 lần so với nữ. Bệnh nhân mắc phải ung thư dạ dày cũng dần bị trẻ hóa, đa số là dưới 40 tuổi chiếm đến gần 25%. 

Đau dạ dày là khi dạ dày gặp phải tình trạng bị tổn thương chủ yếu do viêm loét. Triệu chứng đau dạ dày rất đa dạng. Người bệnh sẽ thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu, mệt mỏi, buồn nôn và cảm nhận được những cơn đau âm ỉ tại khu vực dạ dày. Nếu ăn quá no hoặc để quá đói, căng thẳng thần kinh, hay làm việc quá sức thì cũng có thể làm xuất hiện các cơn đau.  

Nguyên nhân gây đau dạ dày

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đau dạ dày có thể kể đến:  

Bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp)

Phổ biến nhất trong các nguyên nhân gây đau dạ dày phải kể đến vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) xâm nhập vào dạ dày qua đường ăn uống. Một khi loại vi khuẩn này phát triển mạnh sẽ làm cho dạ dày bị tổn thương và suy giảm chức năng. Nếu không điều trị kịp thời mà để vi khuẩn Hp phát triển quá mức sẽ làm viêm nhiễm niêm mạc dạ dày và phát sinh các cơn đau. Nhiều trường hợp còn gây ra xuất huyết dạ dày.

Do ăn uống không khoa học

Thói quen ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hệ tiêu hóa. Việc ăn uống không khoa học là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị đau dạ dày. 

Những thói quen ăn uống không có lợi cho dạ dày phải kể đến: ăn uống vội vàng khiến dạ dày phải co bóp ở tuần suất cao; thường xuyên ăn khuya và ngủ ngay sau khi ăn; ăn không đúng giờ giấc; ăn quá nhiều mỗi bữa; thường xuyên bỏ ăn sáng; bữa sáng không đảm bảo về dinh dưỡng; hay ăn mặn, các đồ chua cay, chế biến sẵn. 

Do tác dụng phụ của thuốc

Việc sử dụng các nhóm thuốc như giảm đau, kháng viêm không chứa steroid sẽ dễ gây ra các tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa. Nếu sử dụng nhiều còn làm hỏng lớp niêm mạc dạ dày. Còn nếu uống khi bụng đói còn gây viêm loét niêm mạc dạ dày và xuất hiện các triệu chứng đau dạ dày như các cơn đau diễn ra thường xuyên hơn.

Các bệnh về đường tiêu hóa gây ra đau dạ dày

Thống kê cho thấy nhiều trường hợp bị đau dạ dày là do mắc phải một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: 

Viêm loét dạ dày tá tràng: Bệnh này sẽ xuất hiện khi niêm mạc dạ dày và phần đầu ruột non bị viêm loét. Người bệnh sẽ thường xuyên phải chịu những cơn đau dạ dày sau ăn. 

 Trào ngược dạ dày thực quản: Đây là bệnh mãn tính và sẽ dần trở nặng hơn theo thời gian. Người bệnh thường thấy đau vùng thượng vị, ợ nóng, ợ chua và buồn nôn khi ăn no hay trong lúc ngủ.

Bệnh Crohn: Nguyên nhân gây ra là do viêm nhiễm lan sâu đến các lớp mô ruột. Người bệnh sẽ thấy đau vùng dạ dày, kèm tiêu chảy, phân lẫn máu và suy nhược cơ thể…

Ung thư dạ dày: Những khối u ác tính khi xuất hiện tại dạ dày có thể gây ra cơn đau tại bất cứ thời điểm nào. Nếu ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ cảm nhận được các cơn đau dạ dày dữ dội, chán ăn hay sút cân nhanh chóng. 

Các nguyên nhân khác

Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày. Nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng thần kinh do công việc; hay phải thức khuya; hoặc hút thuốc và uống nhiều bia rượu thì sớm muộn cũng phải đối mặt với căn bệnh này. 

Nhận biết triệu chứng đau dạ dày phổ biến nhất

Nhiều người bị đau dạ dày nhưng lại nghĩ bản thân chỉ bị đau bụng thông thường. Vì thế, việc nhận biết được chính xác các triệu chứng đau dạ dày sẽ giúp bạn kiểm soát được cơn đau ngay từ sớm. Khi bị đau dạ dày, người bệnh sẽ gặp phải những biểu hiện cụ thể sau: 

Đau vùng thượng vị

Đau thượng vị là dấu hiệu mà nhiều người bị đau dạ dày hay gặp phải. Vùng bụng sẽ xuất hiện những cơn đau âm ỉ hay nóng rát khó chịu, chứ không gặp phải các cơn đau dữ dội. Những ai bị bệnh tá tràng cũng có những biểu hiện này.

Vị trí đau sẽ từ bụng lên ngực hoặc lan ra tận sau lưng từ 1 đến 2 tuần trong giai đoạn đầu và hay bị tái đi tái lại. Thời tiết thay đổi hay những thời điểm giao mùa sẽ bị đau lại. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ phải đau triền miên. 

Ăn ít hơn và không thấy ngon

Người bị đau dạ dày thường kém ăn hẳn hoặc ăn không thấy ngon. Đó là do hệ tiêu hóa làm việc chậm hơn nên sau khi ăn xong, người bệnh hay có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, đau rát vùng thượng vị và thấy buồn nôn.  

Hay bị ợ hơi, ợ chua, ợ nóng

Ợ hơi và ợ chua là triệu chứng đau dạ dày rất dễ nhận biết. Triệu chứng này gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Nguyên nhân do dạ dày hoạt động rối loạn, thức ăn sẽ khó tiêu hóa dẫn đến bị lên men. Người bệnh sẽ cảm nhận được vị chua và đắng của thức ăn dâng lên tận trên họng nhưng chỉ mức nửa chừng. 

Buồn nôn, nôn

Những người bị viêm dạ dày cấp, xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày sẽ hay cảm thấy buồn nôn và nôn. Nếu nôn quá nhiều sẽ dẫn đến bị rách niêm mạc thực quản gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, còn gây mất nước và điện giải trong dịch dạ dày. Nguy hiểm hơn là bị hạ huyết áp, trụy tim mạch khiến người bệnh sút cân nhanh, thiếu máu, phù nề. 

Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy khỏi thành mạch đi vào ống tiêu hóa. Đây là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Người bệnh cần được nhập viện để điều trị kịp thời. 

Triệu chứng đau dạ dày này thường gặp ở các bệnh như viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày tá tràng, hay ung thư dạ dày. Dấu hiệu nhận biết khi bị chảy máu tiêu hóa chính là người bệnh hay thấy choáng váng, tụt huyết áp, nôn ra máu tươi hoặc máu đen. Phân có lẫn máu màu đỏ tươi hoặc màu đen. 

Cách phòng ngừa đau dạ dày

Đau dạ dày là bệnh lý rất dễ mắc phải, đặc biệt trong thời đại công nghệ, kinh tế phát triển, công việc căng thẳng như hiện nay. Thế nhưng, nếu biết trang bị cho mình những kiến thức hữu ích trong cách phòng ngừa sẽ giúp bạn thoát khỏi nguy cơ bị căn bệnh này “viếng thăm”. 

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh chính là liệu pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của hệ tiêu hóa và ngăn chặn bệnh đau dạ dày. 

Cụ thể là bạn cần ăn uống đúng giờ, ăn sáng đầy đủ và ăn chín uống sôi. Nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá nhiều trong 1 bữa. Tăng cường hoa quả, rau xanh, chất xơ để không gây áp lực lên dạ dày. Hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt có gas, đồ chua, cay và các loại gia vị như tiêu, ớt. Uống đủ nước nhưng không uống nhiều trước và sau ăn. Ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất 2 tiếng. Không nằm hay vận động mạnh ngay sau ăn. Tập thói quen nêm ít gia vị khi nấu ăn.

Sử dụng thuốc tây cần thận trọng

Thuốc tây nếu uống thường xuyên cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau bao tử. Để giảm thiệu các triệu chứng đau dạ dày, bạn không được tự ý mua bất kỳ loại thuốc nào để sử dụng. Chỉ uống đúng liều lượng theo chỉ dẫn bác sĩ. Không được uống thuốc khi đói bụng. Uống kèm ly nước đầy để không gây kích thích lên niêm mạc dạ dày. 

Tập thói quen sinh hoạt lành mạnh

Thói quen sinh hoạt lành mạnh không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn cho sức khỏe tổng thể. Vì thế bạn không nên thức khuya hay làm việc quá sức. Ngủ đúng và đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường co thắt cho dạ dày và giảm căng thẳng. 

Trên đây là nguyên nhân, cách phòng ngừa và triệu chứng đau dạ dày bạn cần biết để chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như người thân. Đau dạ dày là bệnh lý không được chủ quan. Vì nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Để đến giai đoạn nặng như ung thư dạ dày sẽ đe dọa nhiều đến tính mạng.

Xem thêm