Táo bón là tình trạng đi ngoài không thường xuyên, phân to cứng, đau và khó khăn khi đi ngoài kèm theo đi ngoài phân són. Có hai loại táo bón là táo bón cơ năng và táo bón thực thể. Cách chữa táo bón là gì và thuốc nào là hiệu quả? Cùng ICondom tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân, cách chữa của táo bón là gì?
Thường là đa yếu tố, nhưng nó có thể được chia thành 2 nhóm chính:
Táo bón sơ cấp
Do thói quen đại tiện thiếu khoa học
- Do thói quen đại tiện không đúng giờ giấc,quên đi tiêu làm rối loạn phản xạ mót rặn.
- Nín nhịn đi tiêu. Như khi phân ở hậu môn tạo cảm giác muốn đi tiêu, một số người không muốn dùng nhà vệ sinh công cộng, hay lo làm việc cố nhịn, thay đổi môi trường sống (công tác, du lịch)…. Nên bệnh nhân cố tình nhịn không đi. Nhịn hoài dần dần trở thành một thói quen.
Chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối
- Lối sống nhanh, vội vàng, dùng thức ăn nhanh, tiết kiệm thời gian,…
- Thức ăn thiếu chất xơ. Chất xơ có nhiều trong các rau củ quả, một số loại chất xơ không bị tiêu hóa sẽ giúp làm phân mềm và không cứng, làm tăng nhu động ruột.
- Cung cấp không đủ nước cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia…
Thiếu vận động
- Thức ăn sau khi được tiêu hoá và hấp thụ ở ruột non, tới đại tràng phần lớn nước được hấp thụ lại phân khô và đóng thành khuôn sẽ đi xuống đại tràng sigma, được tích chứa ở đó.
- Khi lượng phân nhiều đến một mức nào đó sẽ đi xuống trực tràng và kích thích niêm mạc trực tràng, gây nên phản xạ mót rặn: co cơ nâng hậu môn, mở cơ vòng hậu môn, đại tràng co bóp mạnh, đồng thời cơ hoành và các cơ thành bụng co, làm tăng áp lực trong ổ bụng, tất cả dẫn đến hiện tượng tống phân ra ngoài.
- Do cuộc sống thiếu vận động: xem TV, hội họp, đặc tính nghề nghiệp…lượng phân sẽ bị dồn ứ. Hệ tiêu hóa không có sự hoạt động, không có nước trong phân khiến phân cứng rắn, đường ruột bị khô. Nhu động ruột bị giảm, hoạt động kém đi, do đó nó sẽ khó khăn trong việc đẩy phân ra ngoài gây táo bón.
- Do suy nhược: những người già, suy nhược, mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu,… làm giảm nhu động ruột và trương lực các cơ thành bụng gây nên táo bón.
Điều trị táo bón sơ cấp
- Thực hiện các biện pháp giúp cải thiện tình trạng táo bón: chế độ ăn uống đa dạng có thực phẩm giàu chất xơ (có nhiều trong rau, củ, quả), uống nhiều nước, tăng cường vận động, luyện tập thể dục, thể thao, tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày 1 lần, đúng giờ, điều độ…
- Nếu các biện pháp trên không hiệu quả sau 2-3 tuần, cần dùng thuốc trị táo bón kết hợp với các biện pháp trên.
Táo bón thứ cấp
Các nguyên nhân thần kinh
- Khi thần kinh ở ruột, thần kinh nội tạng, tủy sống, não bị tổn thương gây rối loạn thần kinh thực vật dẫn tới Gây táo bón.
- Rối loạn tâm thần: lo lắng, trầm cảm dẫn tới không để ý đến đại tiện gây mất phản xạ mót rặn.
Sự bất thường của các cơ quan trong ruột
- Khối u trực tràng, đại tràng xuất hiện, cản trở đường đi của phân.
- Trĩ và nứt hậu môn, rất đau khi đại tiện, người bệnh không dám đại tiện, gây nên táo bón.
- Hẹp trực tràng và hậu môn.
- Phụ nữ có thai, nhất là những tháng cuối, thai to đè vào trực tràng.
- Rối loạn chức năng ruột.
Táo bón có nguồn gốc tổng quát
- Rối loạn chuyển hóa: Do đái tháo đường; Suy thận; Giảm kali máu.
- Rối loạn nội tiết: Do nhược giáp hay tuyến giáp hoạt động kém; Phụ nữ mang thai (do thay đổi nội tiết tố)
Nguyên nhân do thuốc
Một số thuốc có tác dụng phụ gây táo bón như: codein, clonidin, levodopa, scopolamin…
Điều trị táo bón thứ cấp:
Khác với táo bón sơ cấp, táo bón thứ cấp do các bệnh lý khác gây ra. Do đó cần điều trị nguyên nhân gây các bệnh lý, từ đó tình trạng táo bón sẽ chấm dứt.
Dấu hiệu và triệu chứng của táo bón là gì?
Táo bón xảy ra khi có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau, trong vòng 1 tháng đối với trẻ <4 tuổi hoặc trong vòng 2 tháng đối với trẻ > 4 tuổi:
- Đi ngoài ít hơn 3 lần/1 tuần.
- Ít nhất 1 lần són phân mỗi tuần.
- Tiền sử nhịn đi ngoài hoặc ứ phân rất nhiều (do nhịn).
- Có tiền sử đi ngoài đau hoặc khó khăn.
- Có khối phân lớn trong trực tràng.
- Tiền sử đi ngoài phân to có thể gây tắc bồn cầu.
Cần quan tâm đặc biệt nếu có thêm các triệu chứng sau đây:
- Xuất huyết trực tràng
- Đau bụng (gợi ý hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra)
- Nôn mửa
Thuốc nào điều trị táo bón?
Chất xơ được cho là thuốc tốt nhất và rẻ nhất để điều trị lâu dài. Ngoài ra, có thể sử dụng các nhóm thuốc điều trị táo bón:
- Nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối (polycarbophil, psyllium, methylcellulose…): nhóm thuốc này là các polysaccarid thiên nhiên (ở dạng hạt, chất xơ, chất nhầy…) hay tổng hợp, có khả năng hấp phụ nước gấp nhiều lần so với thể tích của chúng, làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột dễ dàng đẩy phân ra ngoài.
Nhóm thuốc này tác dụng tương đối chậm nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của ruột. Là thuốc an toàn nhất trong các thuốc nhuận tràng.
- Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, macrogol, sorbitol…): thường ở dạng muối vô cơ hay đường, có tác dụng làm gia tăng áp suất thẩm thấu ở ruột, làm tăng lượng nước ở ruột và kích thích nhu động ruột.
Không dùng thuốc chứa natri cho người tăng huyết áp, suy tim và phù.
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích (bisacodyl, cascara, phenolphthalein…): nhóm thuốc này tác dụng trực tiếp lên đầu dây thần kinh ở niêm mạc ruột, làm co cơ ruột, giúp phân di chuyển dể dàng qua đường ruột.
Không dùng nhóm thuốc này cho phụ nữ có thai.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm phân (docusat): có tác dụng làm mềm phân do kích thích sự bài tiết ở ruột và làm gia tăng sự hút nước vào trong phân⇒ giúp phân di chuyển dễ dàng.
- Nhóm thuốc nhuận tràng bôi trơn(parafin, glycerin): thường trình bày ở dạng thuốc bơm hay thuốc đạn, có tác dụng làm phân di chuyển qua kết tràng dễ dàng.
Khi sử dụng thuốc nhuận tràng trong điều trị táo bón cần:
- Tuân theo chỉ định của thầy thuốc.
- Không tự ý sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc quá 7 ngày. Vì các thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như gây ra rối loạn nhu động ruột, liệt ruột hay rối loạn cân bằng điện giải của cơ thể…
Be the first to write a comment.