Táo bón không còn là vấn đề xa lạ đối với các bà bầu trong thời kỳ mang thai vì hầu như ai cũng gặp phải. Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng hiểu rõ những nguyên nhân gây nên táo bón và cách điều trị táo bón hiệu quả.
Tại sao bà bầu thường bị táo bón?
Hormone thai kỳ
Progesterone là một loại hormone trong thai kỳ có công dụng làm giãn các cơ trơn, để các cơ này có thể nâng đỡ thai nhi, giúp thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường. Hormone này cũng tác động trực tiếp đến các cơ trơn ở ruột đồng thời làm giảm tần số cũng như cường độ của các cơn co thắt ruột.
Từ đó, quá trình vận chuyển, tiêu hóa trong ruột sẽ chậm hơn, thức ăn tích tụ lâu hơn giúp cơ thể tăng cơ hội hấp thu các chất dinh dưỡng, chất lỏng từ thức ăn. Do vậy, phân sẽ cứng và khô hơn, di chuyển khó khăn hơn bình thường và khiến bà bầu không thể đi đại tiện hàng ngày, đại tiện khó khăn và dẫn đến táo bón.
Sắt
Trong quá trình mang bầu, mẹ bầu thường đối mặt với tình trạng thiếu máu. Bổ sung sắt là cách mà các bà bầu thường làm để giải quyết tình trạng này. Nhưng vô tình, sắt lại khiến bà bầu bị táo bón.
Áp lực của Thai nhi
Khi thai nhi lớn lên mỗi ngày, đồng thời cân nặng cũng gia tăng. Từ đó, trọng lượng của thai nhi sẽ tạo nên những áp lực ở vùng chậu, ruột và trực tràng, làm cản trở quá trình tiêu hóa và vận chuyển chất thải, khiến bà bầu dễ bị táo bón.
Ít vận động
Khi mang bầu, các bà bầu thường không vận động nhiều khiến toàn bộ hoạt động của cơ thể bị chậm lại, làm cho thức ăn không thể đi qua hệ tiêu hóa dễ dàng, dẫn đến táo bón.
Ăn ít chất xơ
Khi mang bầu, các bà bầu có xu hướng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thịt và sữa mà không chú ý đến việc bổ sung chất xơ. Khi cơ thể thiếu chất xơ, hoạt động của nhu động ruột sẽ chậm lại, đây là một trong những nguyên nhân gây nên táo bón.
Ngoài ra, những bà bầu bị hội chứng ruột kích thích hoặc ốm nghén nặng cũng có nguy cơ bị táo bón cao hơn những người khác trong suốt thai kỳ.
Cách điều trị táo bón ở bà bầu
Khi bị táo bón, bà bầu có thể tự giải quyết vấn đề này bằng những phương pháp tự nhiên ngay tại nhà:
Bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày
Bà bầu cần uống nước đầy đủ mỗi ngày để cải thiện hệ tiêu hóa đồng thời nước sẽ làm phân mềm ra và đi ra ngoài dễ dàng hơn, tránh táo bón. Bà bầu có thể cung cấp nước cho cơ thể bằng nước lọc, nước canh, các loại sinh tố, nước ép hoa quả.
Uống nước chanh
Mỗi buổi sáng, bà bầu vắt một nửa quả chanh vào một ly nước ấm rồi uống (không nên uống nước chanh quá chua). Nước chanh sẽ giúp ruột được vận hành trơn tru cũng như làm sạch ruột sau khi thức dậy.
Bổ sung magie
Trong thời kỳ mang thai, bà bầu nên bổ sung magie đầy đủ. Bởi vì magie có tác dụng nhuận tràng, nâng cao nhu động ruột và hạn chế táo bón. Magie có nhiều trong các nhóm thực phẩm: các loại rau màu xanh đậm, gạo, lúa mì, và yến mạch, các loại đậu và hạt, các loại trái cây như bơ, nho khô
Dưa hấu
Dưa hấu có nhiều nước và chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cả bà bầu lẫn thai nhi. Dưa hấu rất tốt cho ruột và giúp ngăn chặn tình trạng táo bón. Tuy nhiên, không nên ăn dưa hấu quá nhiều, nhất là những bà bầu bị tiểu đường, loét miệng, thận yếu.
Ăn khoai lang
Khoai lang có ít chất béo, không có cholesterol và có rất nhiều chất xơ. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng. Vitamin C và các acid amin có trong khoai lang giúp kích thích nhu động ruột. Nhờ đó, quá trình tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn và giúp phòng ngừa táo bón. Lưu ý: chỉ nên ăn tối đa 100g khoai lang/ngày, ăn quá nhiều khoai lang sẽ dẫn đến thừa cân, đầy bụng, khó tiêu do thừa đường.
Bí đỏ
Trong thành phần của bí đỏ có chứa đường tự nhiên và các loại vitamin A, E, C và B6 rất tốt cho bà bầu. Bí đỏ còn giàu sắt và kẽm có công dụng bổ sung lượng máu cho cơ thể, phòng ngừa bệnh thiếu máu. Do đó, bí đỏ có thể thay thế sắt (nguyên nhân gây táo bón) để bổ sung lượng máu thiếu hụt ở bà bầu. Hơn nữa, bí đỏ còn có nhiều chất xơ giúp nhuận tràng từ đó phòng ngừa trĩ và táo bón ở bà bầu.
Sữa chua
Sữa chua rất giàu vi khuẩn probiotic có lợi cho sức khỏe. Vi khuẩn probiotic có tính chua nên giúp thức ăn được tiêu hóa một cách dễ dàng, phòng ngừa táo bón.
Mặc dù, táo bón là hiện tượng quen thuộc ở thời kỳ mang thai nhưng bà bầu không nên chủ quan. Nếu bà bầu bị táo bón nặng, kèm theo các cơn đau bất thường, đôi khi táo bón xen kẽ với tiêu chảy, táo bón kèm theo máu thì bà bầu cần đến gặp bác sĩ để được khám, và tư vấn
Be the first to write a comment.