5/5 - (1 bình chọn)

Tắm đúng đúng cách giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, cơ thể trẻ nhanh tuần hoàn, nuôi dưỡng da, bảo vệ các tế bào thượng bì không bị tổn hại, thúc đẩy sự phát dục tăng trưởng của trẻ. Thế nhưng, tắm cho trẻ như thế nào là đúng? Trẻ sơ sinh mấy ngày thì tắm 1 lần? Nếu bé sợ tắm phải làm sao? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong bài viết sau đây.

Tắm cho trẻ sơ sinh là công việc rất quan trọng

Sau khi chào đời, lần tắm đầu tiên của trẻ bao giờ cũng được thực hiện dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của y tá. Khi vừa lọt lòng, trẻ rất cần được tắm vì trẻ vừa trải qua một thời gian dài sống trong môi trường nước ối. Hơn nữa, khi chào đời da trẻ vẫn còn dây phân, nước tiểu, nước ối nên nếu được tắm rửa sẽ tẩy gột được vi khuẩn gây bệnh, các chất độc hại.

Được vệ sinh, tắm rửa thường xuyên sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, cơ thể trẻ nhanh tuần hoàn, nuôi dưỡng da, bảo vệ các tế bào thượng bì không bị tổn hại, điều chỉnh công năng hoạt động của các hệ thống cơ quan trong cơ thể, thúc đẩy sự phát dục tăng trưởng của trẻ.

Nếu bạn tắm sạch cho bé có thể loại trừ được mệt mỏi, quấy khóc, nâng cao sức đề kháng của trẻ. Tắm bé là dịp kiểm tra toàn diện về da của trẻ xem có hiện tượng gì khác lạ không, vì rất nhiều bệnh truyền nhiễm đều được biểu hiện ra bằng các nốt mẩn mụn nổi trên da. Vậy nhưng tắm cho trẻ sơ sinh không hề đơn giản nhất là khi trẻ chưa rụng rốn nên rất cần phải người có chuyên môn, kinh nghiệm tắm bé trợ giúp.

Trẻ sơ sinh mấy ngày thì tắm 1 lần?

Đây có lẽ là băn khoăn của rất nhiều chị em, chăm sóc trẻ sơ sinh không mấy đơn giản đặc biệt với những ai sinh con lần đầu.

Vào những ngày đầu sau khi sinh, rốn của bé chưa rụng, thay bằng việc tắm cho bé trong chậu (dễ khiến vùng rốn bị ướt), mẹ chỉ cần lau sạch từng bộ phận trên cơ thể bé: mặt, cổ, chân, tay, lưng, ngực, mông, cơ quan sinh dục, hậu môn… bằng cách nhúng khăn bông mềm vào nước ấm, chứ chưa nên dùng sữa tắm hay xà bông.

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé tắm chậu, không cần phải đợi cho đến khi dây rốn khô và tự rụng hay vết thương lành lặn hoàn toàn, bạn mới cho bé tắm ngập trong chậu nước. Thực tế, tắm rửa không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn. Hơn thế, cách tắm này còn giúp cơ thể bé không bị mất nhiệt. Tuy nhiên, bố mẹ hãy chắc chắn rằng nhiệt độ phòng tắm và chậu nước tắm luôn ấm.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Hoa Kỳ, chỉ cần tắm cho trẻ sơ sinh 2-3 lần/tuần là đủ. Lúc này, da của trẻ còn rất mỏng manh và nhạy cảm. Nếu mẹ tắm cho bé quá thường xuyên có thể khiến da bị khô căng, bong tróc và đỏ rát. Cho đến khi bé biết trườn bò thì việc tắm rửa nhiều hơn 3 lần/ tuần mới cần thiết.

Bố mẹ lưu ý, cần tắm cho trẻ sơ sinh ở nơi kín, tránh gió lùa. Thời điểm tắm khoảng 10h00 – 11h00 sáng hoặc 15h00 – 16h00. Thời điểm này, thời tiết ấm hơn, bé sẽ không sợ lạnh. Không nên tắm vào lúc sáng sớm, chiều muộn hoặc giữa trưa. Đối với trẻ sơ sinh, thời gian tắm chỉ nên từ 4 – 5 phút/lần là tốt nhất.

Mẹ cũng không cần phải dùng nhiều xà phòng và chất tẩy rửa khi tắm cho trẻ (ngoại trừ trẻ có bệnh lý về da được bác sĩ chỉ định dùng). Bạn chỉ cần tắm cho bé bằng nước ấm, vỗ nhẹ cho da khô và thoa cho bé bằng một loại kem dưỡng ẩm tốt nhất. Nếu cần thiết, bạn chỉ cần thoa xà phòng cho bé chỉ ở những khu vực dễ bị đổ mồ hôi, chẳng hạn như dưới cánh tay và giữa hai chân.

Bé sợ tắm phải làm sao?

Đầu tiên, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con mình lại sợ tắm. Một số nguyên nhân phổ biến như là:

1. Dầu gội chảy vào mắt khiến bé khó chịu

Trong trường hợp này, mẹ cần chú ý khi xoa dầu gội cho bé. Khi tắm cho bé, các mẹ nên chú ý thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận để bé không cảm thấy đau hay khó chịu.

2. Bé bị hăm

Hăm tã là tình trạng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 9 tháng tuổi. Những vùng da bị hăm có thể khiến trẻ đau rát và khó chịu. Mẹ cũng nên kiểm tra xem bé có bị mẩn, đỏ, ngứa vùng da chân, tay… nào hay không. Cũng có thể do vết xước khiến trẻ bị đau khi tắm với sữa tắm, dầu gội hoặc nước lá.

3. Bé đang đói

Trẻ bị đói rất dễ quấy khóc. Trước khi tắm, mẹ có thể cho bé ăn nhẹ sẽ giải quyết được vấn đề này ngay thôi.

4. Bé đang mệt, buồn ngủ

Trong thời gian mẹ chuẩn bị vật dụng tắm cho bé, trong khi chờ đợi bé lại buồn ngủ và muốn lên giường ngủ một giấc. Với trường hợp này, mẹ nên tắm cho bé sớm hơn, trước khi bé rơi vào cơn buồn ngủ.

5. Nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh

Nhiệt độ lý tưởng của nước tắm cho trẻ sơ sinh 36 độ C. Chỉ cần nước quá nóng hoặc quá lạnh đều dẫn đến tâm lý sợ hãi mỗi khi chuẩn bị đi tắm.

6. Bé sợ nước

Có thể trẻ từng bị trượt trong bồn tắm nên dẫn đến lo lắng, sợ hãi mỗi khi đi tắm. Tình huống này, mẹ nên kê một miếng lót giữ bé không bị trượt trong bồn, giữ cho mực nước cao 5 – 8 cm.

Để trẻ không khóc khi tắm, mẹ nên làm gì?

Đôi khi chỉ những chi tiết rất nhỏ cũng trẻ cảm thấy “yên tâm” hơn khi đi tắm. Bố mẹ cũng lưu ý và áp dụng nhé:

  • Dán những miếng decal chống trượt vào bên trong bồn tắm để tăng tính an toàn và đem lại sự sinh động thu hút trẻ trong lúc tắm
  • Đặt bé ngồi trong một chiếc giỏ đựng quần áo (giỏ đựng không có vật nhọn, góc nhọn) cùng những món đồ chơi yêu thích, trẻ sẽ không bị ngã và ngồi yên để mẹ tắm
  • Mẹ có thể giúp bé quên đi nỗi lo sợ bằng cách sử dụng những đồ chơi bằng nhựa khi tắm cho bé hay thủ thỉ với bé những câu chuyện vui về gia đình hoặc những con vật đáng yêu sẽ giúp bé thích thú hơn rất nhiều
  • Khi gội đầu cho trẻ tránh để xà phòng không rơi vào mắt của bé, mẹ hãy dùng một chiếc chai nhựa để lấy nước xả tóc cho bé
  • Không nên pha nước tắm quá nóng hay quá lạnh
  • Cho bé ăn trước khi tắm 30 – 45 phút
  • Không được để bé một mình ở trong chậu, bồn tắm hoặc khu vực tắm rửa dù chỉ vài giây vì như vậy rất nguy hiểm.

Cách tắm để trẻ không khóc rất đơn giản nếu mẹ biết được vì sao bé khóc, từ đó có biện pháp giải quyết thích hợp. Tuy nhiên, nếu bé vẫn khóc trong khi tắm, mẹ nên bình tĩnh và kiên nhẫn, không nên la mắng hay để trẻ một mình vì chỉ khiến bé thêm sợ hãi hơn.

8 bước tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Dưới đây là quy trình tắm bé chuẩn được khuyến cáo bởi các chuyên gia:

Bước 1: Cởi bỏ quần áo của trẻ rồi quấn lên người trẻ một chiếc khăn tắm mềm để tránh gây cọ xát mạnh

Bước 2: Bế trẻ đúng tư thế: cánh tay đỡ lưng, bàn tay đỡ đầu

Bước 3: Tiến hành rửa mặt cho bé theo thứ tự: mắt, mũi, tai, mồm

Bước 4: Gội đầu: làm ướt tóc, thoa dầu gội đầu chuyên dụng từ trước ra sau đầu rồi rửa sạch và lau khô

Bước 5: Tiến hành tắm bé theo thứ tự: Cổ -> nách, cánh tay -> Lưng, mông, chân -> Bộ phận sinh dục

Bước 6: Lau khô toàn thân và mặc quần áo, quấn tã cho trẻ để giữ ấm

Bước 7: Chăm sóc nếu rốn chưa rụng

Bước 8: Đặt trẻ lên giường và ủ ấm.

Chúc các mẹ ngày càng “lên tay” trong việc chăm sóc và tắm cho trẻ sơ sinh nhé.

Xem thêm