Phụ nữ mang thai cần bổ sung lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường, nên hay tăng cường sử dụng các loại thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt nhiều chị em truyền tai nhau về tác dụng thần kỳ của trứng ngỗng giúp con thông minh hơn. Tuy nhiên, tác dụng thật sự của trứng ngỗng như thế nào đối với mẹ và thai nhi thì cần phải được tìm hiểu rõ hơn.
Các mẹ khi mang thai thường có quan niệm rằng trứng ngỗng sẽ giúp con sinh ra được thông minh và da sẽ trắng hơn, mang thai con gái thì nên ăn 9 quả còn con trai nên ăn 7 quả. Có người nghĩ vì trứng ngỗng tốt như vậy ăn càng nhiều sẽ càng tốt, tuần ăn nhiều lần thậm chí ngày nào cũng cố gắng để ăn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào khẳng định những tác dụng trên của trứng ngỗng mà chỉ do truyền từ đời này qua đời khác. Việc em bé sinh ra thông minh hay không, da trắng hay da tối màu chủ yếu phụ thuộc vào di truyền, cách bồi bổ trong suốt quá trình mang thai…chứ không thể chỉ dựa vào quả trứng ngỗng.
Một lầm tưởng khác nữa cho là trứng ngỗng to hơn nên sẽ cung cấp hàm lượng các chất dinh dưỡng nhiều hơn, từ đó tốt cho cơ thể mẹ và thai nhi. Dẫn tới tình trạng nhiều chị em đổ xô đi mua trứng ngỗng khi biết mình có thai, khiến giá thành trứng ngỗng tăng cao, đắt đỏ hơn rất nhiều so với trứng gà.
Vậy trứng ngỗng có thật sự thần kỳ không?
- Xét về hàm lượng chất dinh dưỡng cung cấp thì cũng không thể phủ nhận tác dụng của trứng ngỗng đối với phụ nữ mang thai. Trong 100g trứng ngỗng có chứa 13g protein, 360 mcg vitamin A, 71mg canxi, 3,2mg sắt, 0,15mg B1…Đây là các chất cần thiết cho mẹ và thai nhi, giúp em bé phát triển một cách hoàn thiện các cơ quan và bộ phận cơ thể. Nhưng không thể vì vậy mà các mẹ chỉ chú trọng ăn trứng ngỗng, bỏ qua việc bổ sung đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
- Bên cạnh cung cấp lượng dinh dưỡng các chất khá cao thì trong trứng ngỗng lượng cholesterol và lipid cũng không hề thấp, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của phụ nữ mang thai, cụ thể là dễ mắc các bệnh như: thừa cân, béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, phù nề, ảnh hưởng đến hệ tim mạch…Ngoài ra, ăn nhiều trứng ngỗng còn khiến mẹ khó tiêu, nặng bụng, đầy hơi gây khó chịu.
- Một số phụ nữ mang thai bị mắc tiểu đường, huyết áp cao, phù nề, tăng cân quá nhiều không nên ăn trứng ngỗng để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
Thực tế, so với trứng gà, lượng protein trong trứng ngỗng cao hơn, nhưng lại thấp hơn ở các chất khác, nhất là hàm lượng vitamin A, chỉ bằng một nửa. Vì vậy, ICondom khuyên chị em không nên quá tin vào lời đồn thổi mà cố ép mình ăn nhiều trứng ngỗng, nếu thích mỗi tuần chỉ cần ăn 1-3 quả, thậm chí có thể thay thế trứng ngỗng bằng trứng gà ta vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong trứng gà rất cao, rất tốt và an toàn cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Ngoài việc nên ăn trứng gà, mẹ còn có thể bổ sung thêm trứng chim cút, đây cũng là loại thực phẩm bổ dưỡng, dễ ăn, không gây trướng bụng hay đầy hơi, khó chịu như trứng ngỗng.
Như vậy, việc ăn trứng ngỗng để con thông minh hay trắng hơn là điều không có cơ sở khoa học. Thực tế để em bé sinh ra phát triển một cách toàn diện, mẹ nên ăn đầy đủ các chất và đa dạng thực phẩm, trong đó nên chú trọng các thực phẩm giàu acid folic, protein, canxi và sắt như: các loại rau xanh, các loại đậu, cá hồi, trứng gà ta, sữa chua, đồng thời có thể uống thêm các loại sữa bầu và vitamin tổng hợp.
Xem thêm
Be the first to write a comment.