5/5 - (2 bình chọn)

Viêm khớp dạng thấp làm bạn mất ăn, mất ngủ, gặp khó khăn trong vận động, sinh hoạt thường ngày. Cảm giác đau nhức mỗi đêm làm bạn đau đớn và khó chịu. Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu bằng các triệu chứng sưng, đau, nóng khớp. Nếu không phát hiện kịp thời, nó sẽ để lại những hậu quả nặng nề. Vì vậy, hãy cùng ICondom tìm hiểu xem viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hiệu quả và an toàn trong bài viết dưới đây nhé!

Viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng?

Viêm khớp dạng thấp (hay viêm đa khớp dạng thấp) là bệnh lý tự miễn mạn tính của khớp. Tổn thương thường xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bình thường, hệ thống miễn dịch có tác dụng chống lại các tác nhân gây hại như vi khuẩn,… Tuy nhiên, trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch lại tấn công vào các tế bào của cơ thể.

Bệnh hay gặp ở độ tuổi trên 40, đặc biệt nhiều hơn ở nữ giới. Bệnh viêm khớp dạng thấp diễn biến qua bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: bắt đầu bằng quá trình tấn công vào màng hoạt dịch của khớp, làm các mô bị tổn thương, gây ra tình trạng viêm sưng khớp.
  •  Giai đoạn 2: màng hoạt dịch tổn thương nặng hơn, lan vào sụn khớp, làm sụn khớp bị phá hủy. Sụn bị tổn thương gây cảm giác đau đớn cho người bệnh. Trong giai đoạn này, khớp viêm chưa bị biến dạng.
  • Giai đoạn 3: tổn thương lan rộng đến xương, gây bào mòn xương và biến dạng khớp. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong vận động, sinh hoạt thường ngày.
  • Giai đoạn 4: hình thành các mô xơ, bệnh nhân mất khả năng vận động, biến dạng khớp, dính khớp. Các biến chứng hay gặp như ngón tay hình cổ cò, cổ tay hình lưng lạc đà,…

Viêm khớp dạng thấp gây tổn thương ở các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân, bàn chân. Tiếp theo, tổn thương lan ra các khớp cổ tay, đầu gối, khuỷu tay,… Bệnh thường gây viêm các khớp đối xứng, hay gặp ở các khớp tay, chân, khớp đầu gối. Bệnh có thể gây đau kéo dài trong vài ngày, vài tuần thậm chí là vài tháng, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Triệu chứng tại khớp

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp.

Cảm giác đau thường tăng lên vào ban đêm và gần sáng. Vì dây thần kinh số X chi phối cảm giác đau tăng cường hoạt động về đêm và nồng độ cortisol (hormone trong cơ thể có tác dụng giảm đau) giảm vào ban đêm và gần sáng.

Khác với cảm giác đau, cứng khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện vào buổi sáng, đột ngột và kéo dài trong khoảng vài giờ. Triệu chứng cứng khớp có thể giảm bớt sau khi cố gắng cử động nhiều lần.

Bệnh nhân có thể sốt nhẹ >37.5oC, sưng, nóng các khớp, ít khi bị đỏ tấy. Ở một số bệnh nhân nặng có thể gặp tình trạng biến dạng khớp như cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, bàn tay thổi gió,… Đặc biệt là tình trạng viêm cột sống cổ dẫn đến tình trạng chèn ép các đốt sống cổ, từ đó ảnh hưởng đến thần kinh.

Triệu chứng và biến chứng ngoài khớp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện các hạt thấp dưới da, hay gặp ở vùng da cạnh ngón tay, khuỷu tay, ngón chân,… Theo thống kê của FDA (Hoa kỳ) tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15% trên tổng số bệnh nhân. Khi bệnh nặng hơn có thể gây ra các biến chứng như:

  • Gây loãng xương, làm suy yếu xương và dễ gãy. Tình trạng này có thể nặng lên khi sử dụng cùng một số loại thuốc trong quá trình điều trị.
  • Gây khô mắt, khô kết mạc, viêm củng mạc mắt.
  • Tổn thương phổi: những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ viêm phế quản, tắc nghẽn đường hô hấp, viêm phổi, tràn dịch màng phổi cao hơn người bình thường.
  • Biến chứng tim mạch như: loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tắc nghẽn động mạch,…
  • Gây nguy cơ thiếu máu, tăng số lượng tiểu cầu.
  • Hội chứng Felty: với các biểu hiện như lách to, giảm bạch cầu hạt, bội nhiễm vi khuẩn.
  • Ung thư hạch: viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ ung thư hạch.
  • Gây viêm mạch máu, xuất hiện các đốm đỏ trên da.
  • Tổn thương thần kinh: các triệu chứng nặng dần từ tê, ngứa đến liệt

Tình trạng viêm, sưng đau kéo dài làm bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp liên quan đến đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch tấn công vào các tế bào của cơ thể. Một số ý kiến cho rằng, bệnh có thể liên quan đến gen hoặc một số yếu tố tấn công khác như vi khuẩn.

Bình thường, khi cơ thể bị tấn công bởi tác nhân lạ (virus, vi khuẩn), các đại thực bào, bạch cầu đa nhân, tế bào lympho, tế bào plasma sẽ sản xuất các chất trung gian hóa học gây viêm như interleukin, cytokine, interferon, bradykinin,… Đồng thời, các tế bào này sẽ truyền tín hiệu đến các tế bào lympho T. Tế bào lympho T sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại các tác nhân đó. 

Tuy nhiên, bởi vì nguyên nhân nào đó, hệ thống miễn dịch lại tấn công vào các mô của cơ thể, lắng đọng ở các khớp gây viêm khớp và hình thành các hạt thấp ở da. 

Các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh viêm khớp dạng thấp như:

  • Tuổi: viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi).
  • Di truyền: nếu bố mẹ bị viêm khớp dạng thấp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Béo phì: người béo phì, thừa cân (có chỉ số BMI >23) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại (như silica, amiăng,…) có thể làm tăng nguy cơ tiến triển của bệnh.
  • Ngoài ra, hút thuốc lá có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Người mẹ mang thai hút thuốc lá trong giai đoạn thai kỳ, trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Cách điều trị viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện được tình trạng bệnh, ngăn chặn tiến triển của bệnh, duy trì chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số biện pháp chữa viêm khớp dạng thấp mà ICondom muốn gửi đến bạn:

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào giai đoạn và triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh những loại thuốc thích hợp. Một số loại thuốc thường được kê trong điều trị viêm khớp dạng thấp như:

  • NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen, naproxen, diclofenac, ketoprofen, celecoxib,… Các thuốc này có tác dụng giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng, tăng thời gian chảy máu và nguy cơ xuất huyết, tổn thương thận. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc này.
  • Các steroid như methylprednisolone, prednisolone, dexamethasone,… Các thuốc này được sử dụng để giảm đau, chống viêm. Thế nhưng, nó có thể gây loãng xương, tổn thương sụn, tăng cân.
  • DMARDs như methotrexate, hydrochloroquin, leflunomide, sulfasalazine,… có tác dụng giảm viêm và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Methotrexate có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, do đó cần lưu ý trên phụ nữ có thai.
  • Trong trường hợp không đáp ứng với các thuốc trên, bác sĩ có thể kê các loại thuốc ức chế miễn dịch như abatacept, anakinra, rituximab, tocilizumab,… Thông thường, bác sĩ sẽ phối hợp các thuốc này với methotrexate để tăng tác dụng điều trị. Cần thận trọng khi kê đơn các thuốc này cho người suy giảm miễn dịch hoặc bị nhiễm trùng.
  • Opioid: đây là các thuốc giảm đau, gây lệ thuộc thuốc. Do đó, chỉ sử dụng trong các trường hợp đau dữ dội, khi sử dụng cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Lưu ý, các thuốc này không được sử dụng lâu dài vì có thể gây nghiện.

Điều trị bằng phẫu thuật

Có thể can thiệp phẫu thuật nếu các thuốc trên không có tác dụng ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Có 4 phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp:

  • Phẫu thuật nội soi: giúp loại bỏ lớp hoạt dịch bị viêm. Phương pháp này có thể áp dụng trên cổ tay, đầu gối, ngón tay.
  • Phẫu thuật chữa gân: khớp bị tổn thương làm cho gân bao xung quanh bị lỏng. Phẫu thuật này giúp cố định các đường gân xung quanh khớp viêm.
  • Phẫu thuật chỉnh hình: giúp cố định khớp.
  • Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp: thay thế các bộ phận tổn thương của khớp bằng các bộ phận làm bằng kim loại hoặc nhựa.

Phương pháp vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp

Xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt hợp lý

Ngoài các phương pháp trên, bạn có thể phòng bệnh cũng như kiểm soát tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua chế độ ăn uống, kết hợp với vận động, sinh hoạt hợp lý.

  • Theo đánh giá của Nayana Ambardekar vào tháng 5/2020, tập luyện thể dục thường xuyên, đều đặn như đi bộ, bơi lội,… có thể làm giảm tiến triển của bệnh. Tập luyện đúng cách có thể làm giảm tình trạng mất xương. Lưu ý, tránh các bài tập quá mạnh khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
  • Giảm cân nếu chỉ số BMI >23.
  • Không uống đồ uống có cồn như rượu, bia,…
  • Không uống cà phê.
  • Không hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Nên ăn thịt gà hơn các loại thịt đỏ (như thịt lợn,…). Hạn chế các loại thức ăn có nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường. 
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm như silica, amiăng.

Một số phương pháp khác như chườm đá trong 15 phút cũng có tác dụng làm giảm cơn đau do viêm khớp dạng thấp. Chườm nóng giúp thư giãn cơ, kích thích lưu lượng máu.

Nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, hãy thông báo với bác sĩ để có điều chỉnh thích hợp nhất.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh không được chủ quan, phải luôn kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bác sĩ.

Hy vọng thông tin mà ICondom đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cũng như các phương pháp điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất nhé!

Xem thêm