Dưới đây là bốn phương pháp đơn giản để kiểm soát sự căng thẳng của bạn.
1. Độc thoại một cách tích cực
Độc thoại là một cách giảm căng thẳng. Tất cả chúng ta đều tự trò chuyện với chính mình; đôi khi, chúng ta nói ra thành tiếng, nhưng thông thường chúng ta đều tự độc thoại với mình trong đầu. Bạn có thể độc thoại theo hướng tích cực (như “Mình làm được” hoặc “Mọi việc sẽ được giải quyết”) hay tiêu cực (như “Mình sẽ không bao giờ khá hơn được” hoặc “Mình thật ngu ngốc”)
Độc thoại theo hướng tiêu cực làm gia tăng sự căng thẳng. Độc thoại tích cực giúp bạn bình tĩnh lại và kiểm soát sự căng thẳng. Để tập làm điều này, bạn có thể học cách chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực.
Ví dụ:
Tiêu cực | Tích cực |
Mình không thể làm được | Mình sẽ làm một cách tốt nhất mình có thể |
Mọi thứ đều trở nên tệ hại | Mình có thể giải quyết từng việc từng việc một |
Mình thực sự ghét những việc thế này | Mình biết cách để giải quyết việc này; trước đây mình đã từng làm rồi |
Để khiến bản thân cảm thấy khá hơn, hãy tập độc thoại tích cực hàng ngày —- trong xe ô tô, ở bàn làm việc, trước khi đi ngủ hoặc bất cứ khi nào bạn nhận thấy rằng mình đang suy nghĩ tiêu cực.
Khi gặp rắc rối? Hãy thử nghĩ như thế này:
· Mình đã gặp chuyện này rồi.
· Mình sẽ nhận được sự giúp đỡ nếu cần.
· Chúng ta có thể giải quyết nó
· Tôi sẽ không để vấn đề này làm tôi suy sụp
· Mọi thứ còn có thể tệ hơn ấy chứ
· Con người mà, ai chẳng có lúc sai
· Một ngày nào đó mình sẽ cười thật to về những chuyện này
· Mình có thể giải quyết tình huống này
Hãy nhớ rằng: Độc thoại tích cực giúp bạn giảm căng thẳng và giải quyết các vấn đề khiến bạn bị căng thẳng.
2. Giảm căng thẳng tức thì
Trong cuộc sống có rất nhiều những tình huống khiến bạn bị căng thẳng – ở nơi làm việc, ở nhà, trên đường, và ở những nơi công cộng. Chúng ta có thể cảm thấy căng thẳng vì cuộc trao đổi không thoải mái, quá nhiều việc hay những sự rắc rối cứ nối tiếp nhau mà đến. Giảm căng thẳng tức thì giúp bạn đối phó với những căng thẳng này ngay lập tức.
Hãy thử các bước giảm căng thẳng tức thì sau đây. Bạn sẽ cần những phương pháp khác nhau trong những tình huống khác nhau, và đôi khi cũng cần phải kết hợp chúng lại.
– Đếm từ 1 đến 10 trước khi nói.
– Hít thở thật sâu từ 3 đến 5 lần.
– Tạm thời bỏ qua điều khiến cho bạn căng thẳng và nói bạn sẽ xử lý nó sau.
– Đi dạo một lúc.
– Đừng ngại nói ‘xin lỗi’ nếu bạn làm sai
– Đặt đồng hồ nhanh hơn 10 phút để tránh gặp căng thẳng vì đến muộn
– Chia vấn đề lớn thành từng phần nhỏ. Ví dụ, trả lời một bức thư hoặc một cuộc điện thoại một ngày thay cho việc xử lý tất cả mọi việc cùng một lúc.
– Lái xe trong làn đi chậm hoặc tránh những đường phố đông đúc sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh khi lái xe.
– Ngửi một bông hoa hồng, ôm người mình yêu quý hoặc mỉm cười với hàng xóm.
– Tập ngồi thiền hoặc cầu nguyện để thoát khỏi chu kỳ tiêu cực
3. Tìm những niềm vui
Khi sự căng thẳng khiến bạn mệt mỏi, hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Làm những việc bạn thích một cách tự nhiên nhất để đẩy lùi sự căng thẳng.
Bạn không cần phải làm quá nhiều để tìm kiếm niềm vui. Kể cả khi bạn đang ốm hay đang suy sụp, bạn cũng có thể tìm niềm vui từ những việc rất đơn giản như lái xe đi lòng vòng, trò chuyện với bạn bè, hay đọc một quyển sách hay.
Mỗi ngày hãy cố gắng làm ít nhất một việc mà bạn yêu thích, kể cả chỉ làm trong vòng 15 phút.
Ví dụ như:
– Thử làm gì đó về nghệ thuật (như tranh sơn dầu, vẽ phác thảo, tạo một quyển sách dán giấy hoặc cùng vẽ tranh bằng ngón tay bôi màu với những đứa trẻ)
– Chọn một thú vui cũ hoặc mới nào đó.
– Đọc một cuốn sách mình yêu thích, một mẩu truyện ngắn, một cuốn tạp chí hay một tờ báo.
– Hẹn bạn bè đi uống một tách café hoặc ăn một bữa cơm.
– Chơi golf, tennis, bóng bàn hoặc bowling
– Thêu, may vá hay đan móc
– Nghe nhạc trong hoặc sau khoảng thời gian tập thư giãn.
– Đi dạo cùng thiên nhiên — nghe tiếng chim hót, tìm hiểu, nhận biết một số loại cây và hoa.
– Lập một danh sách những việc bạn vẫn muốn hoàn thành trong cuộc đời.
– Xem một bộ phim cũ trên Tivi hoặc thuê một cuộn băng về xem.
– Tham gia một lớp học nào đó ở trường học gần nhà.
– Chơi bài với gia đình và bạn bè.
4. Thư giãn hàng ngày
Việc thư giãn không chỉ đơn giản là ngồi trong chiếc ghế yêu thích xem TV. Để giảm căng thẳng, việc thư giãn cần làm dịu được sự căng thẳng trong thần kinh và cơ thể của bạn. Một số phương pháp thư giãn tốt là yoga, Thái cực quyền (những động tác chậm, uyển chuyển) và ngồi thiền.
Giống như các kỹ năng khác, thư giãn cũng cần phải luyện tập. Có rất nhiều người tham gia các lớp học để học và luyện tập các kỹ năng thư giãn.
Hít thở sâu cũng là một dạng thư giãn mà bạn có thể học và luyện tập ở nhà theo các bước dưới đây. Sẽ rất tốt để luyện tập kỹ năng này khi bạn bắt đầu hoặc kết thúc một ngày của mình. Nếu luyện tập hàng ngày, bạn sẽ có thể sớm vận dụng thoải mái những kỹ năng này bất cứ lúc nào bạn cảm thấy căng thẳng.
– Ngồi ở một vị trí thoải mái với bàn chân đặt trên sàn nhà, hai tay đặt trong lòng hoặc thả lỏng. Nhắm mắt lại.
– Tưởng tượng bản thân trong khung cảnh yên bình. Có thể là khi đang nằm trên bãi biển, đang đi dạo trên núi hay đang trôi trên những đám mây. Lưu giữ hình ảnh này trong trí óc.
– Hít vào và thở ra. Tập trung vào việc hít thở thật sâu và thật chậm.
– Tiếp tục hít thở chậm thêm 10 phút nữa hoặc nhiều hơn.
– Cố gắng dành ít nhất 5 đến 10 phút mỗi ngày để hít thở sâu hoặc tập các kỹ năng thư giãn khác.
Be the first to write a comment.