Bệnh trĩ là một căn bệnh phổ biến. Đây là một bệnh “khó nói”, gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và thường bị tái đi tái lại. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu như không phát hiện và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân dưới đây để hiểu thêm về các biểu hiện của bệnh và có cách phòng ngừa bệnh một cách đúng đắn.
Thông tin chung về bệnh trĩ
Bệnh trĩ (Hemorrhoids) được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ, làm sưng và viêm tĩnh mạch ở hậu môn và vùng thấp của trực tràng. Bệnh được xem là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, với tỷ lệ bệnh nhân lưu hành được ước khoảng từ 25 – 40% dân số, tỷ lệ gặp nhiều cả nam và nữ. Bệnh thường hay gặp ở những người trên 50 tuổi, ngứa và chảy máu hậu môn có thể là triệu chứng báo hiệu của trĩ.
Bệnh xuất hiện không rõ ràng, không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh vì trĩ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể và chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám bệnh.
Bệnh được phân thành 2 loại dựa theo cấu trúc giải phẫu : Trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là những búi trĩ xuất hiện phía trên cơ thắt hậu môn, đây là loại trĩ thường gặp. Còn trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh trĩ
- Chảy máu
- Sa búi trĩ
- Sưng nề vùng hậu môn
- Đau
- Khó chịu vùng hậu môn, xuất tiết, ngứa
- Thiếu máu
Biến chứng của trĩ
Các biến chứng của bệnh trĩ rất hiếm nhưng bao gồm:
- Thiếu máu
- Trĩ tắc mạch gây nghẹt
Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:
- Táo bón kéo dài
- Tiêu chảy kéo dài
- Tăng áp lực ổ bụng
- Lối sống tĩnh tại ít vận động
- Khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh
- Thời gian đi vệ sinh lâu.
- Giao hợp qua ngã hậu môn.
- Tuổi già
Chẩn đoán bệnh trĩ
- Triệu chứng lâm sàng: đại tiện ra máu đỏ tươi.
- Soi hậu môn bằng ống cứng: tạo điều kiện quan sát trực tiếp để thực hiện các thủ thuật loại trừ búi trĩ.
- Nội soi đại trực tràng bằng ống soi mềm
Nội soi đại trực tràng thường được tiến hành trong các trường hợp:
- Có dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý về đường tiêu hóa.
- Có các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
- Trên 50 tuổi với người thường và trên 45 tuổi với trường hợp đi phân đen và không nội soi trong vòng 10 năm.
Các giai đoạn của trĩ nội
- Trĩ nội độ 1: Các tĩnh mạch trĩ giãn nhẹ, làm phồng niêm mạc và trồi vào lòng trực tràng.
- Trĩ nội độ 2: Các tĩnh mạch trĩ giãn nhiều hơn tạo thành các búi rõ rệt và sà ra ngoài khi thao tác các hoạt động gắng sức, sau đó thường tự tụt lên.
- Trĩ nội độ 3: Các tĩnh mạch trĩ giãn nhiều hơn tạo thành các búi rõ rệt và sà ra ngoài khi thao tác các hoạt động gắng sức, sau đó phải dùng tay ấn nhẹ thì búi trĩ mới tụt vào trong.
- Trĩ nội độ 4: Các búi trĩ thường liên kết với nhau thành trĩ vòng làm cho búi trĩ liên tục sà ra ngoài, dùng tay cũng không thể đẩy lên.
Hình 01: 4 giai đoạn của trĩ nội
Điều trị bệnh trĩ
Chỉ khi trĩ gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì người bệnh mới cần đến điều trị.
- Ngăn chặn các tác nhân dẫn đến trĩ
- Hình thành thói quen đi tiêu mỗi ngày.
- Tránh các thói quen ăn uống có hại: như cà phê, rượu, trà và các gia vị như ớt, tiêu. Uống nhiều nước kèm bổ sung chất xơ.
- Vận động thể lực: nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
- Điều trị các bệnh mãn tính hiện có: viêm phế quản, giãn phế quản…
- Điều trị nội khoa
- Giữ sạch vùng hậu môn: Làm sạch da vùng hậu môn nhẹ nhàng với nước ấm mà không dùng đến xà phòng tránh thêm nghiêm trọng khu vực này, có thể làm khô sau đó với máy sấy tóc nhằm làm giảm độ ẩm gây kích ứng.
- Ngâm nước ấm: mỗi lần 15 phút, 2 đến 3 lần mỗi ngày.
- Tắm ngồi và ngâm hậu môn trong nước có nhiệt độ ấm.
- Chườm lạnh: chườm gói lạnh lên hậu môn để giảm tấy.
- Dùng khăn giấy ướt không chứa cồn hoặc mùi hương: thay cho giấy vệ sinh khô để giúp giữ sạch vùng hậu môn sau khi đi tiêu.
- Thuốc uống: có chiết xuất flavonoid làm tăng trương lực tĩnh mạch, cũng như giảm sưng nhờ tác động của kháng viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như trĩ tắc mạch.
- Thuốc tại chỗ: các loại thuốc mỡ và thuốc nhét có tác dụng kháng viêm và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.
- Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật
Để loại trừ búi trĩ độ 1 và độ 2, có thể áp dụng những thủ thuật:
- Tiêm xơ búi trĩ: Trong thủ thuật này, bác sĩ tiêm dung dịch hóa chất vào các mô trĩ để thu nhỏ nó, có thể không hoặc ít gây đau. Phương pháp này mang lại hiệu quả không bằng phương pháp thắt dây cao su.
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Bác sĩ thắt một, hai vòng cao su nhỏ quanh gốc trĩ nội. Việc này có thể gây khó chịu hoặc thậm chí gây chảy máu từ 2 – 4 ngày sau biện pháp thủ thuật, nhưng hiếm khi trầm trọng thêm.
- Liệu pháp đông lạnh: hiệu quả với phần lớn người bệnh, làm búi trĩ rụng đi sau vài ngày.
- Quang học: bao gồm các kỹ thuật laser, hồng ngoại và lưỡng cực.Bác sĩ sẽ gây thu nhỏ, sau đó giảm chảy máu để làm cứng và teo trĩ nội. Tác dụng phụ của kỹ thuật này là tỷ lệ tái phát cao hơn so với thắt vòng cao su.
- Đốt điện
- Cắt bỏ trĩ (Hemorrhoidectomy): được xem là cách mang lại hiệu quả cao nhất cũng như hoàn chỉnh nhất để loại bỏ bệnh trĩ. Nguyên nhân dẫn đến chảy máu là mô trĩ có thể được phẫu thuật loại bỏ bằng các kỹ thuật khác nhau như gây mê hay gây tê cột sống, gây tê tại chỗ kết hợp với thuốc an thần. Mặc dù vậy, phẫu thuật này cũng là loại hình có tỷ lệ biến chứng cao nhất bởi những hạn chế nhất định trong thời gian đầu đối với hầu hết các bệnh nhân có thể kể đến như nhiễm trùng tiết niệu và thông bàng quang. Để giảm đau, người bệnh có thể dùng thuốc cũng như ngâm vết thương trong bồn nước ấm làm hạ cơn đau.
- Kẹp ghim: còn có tên gọi là ghim chặn lưu lượng máu đến mô trĩ hoặc ghim cắt bỏ trĩ. Phương pháp này ít đau hơn phẫu thuật cắt bỏ, đồng thời cũng giúp người bệnh hồi phục sớm hơn. Tuy nhiên, kẹp ghim lại có nguy cơ cao tái phát cao hơn cắt bỏ trĩ.
Ưu điểm của các phương pháp này là cách thức đơn giản. Nhược điểm là phải tiến hành nhiều lần cũng như không áp dụng được với các búi trĩ độ 3, độ 4.
Đối với việc loại trừ búi trĩ độ 3 và độ 4, nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng, nhưng phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là:
- phẫu thuật LONGO
Ưu điểm là áp dụng được với trĩ độ 3, độ 4, không đau, thời gian nằm viện ngắn. Mức phí cao vẫn còn là một hạn chế.
Lưu ý khi điều trị trĩ:
– Trĩ có thể là bệnh hoặc chỉ đơn thuần là triệu chứng của một bệnh khác. Phẫu thuật chỉ được phép tiến hành một khi đã xác định được đó là trĩ bệnh. Vì vậy, cần đảm bảo vùng hậu môn trực tràng không còn tổn thương nào khác trước khi ca mổ bắt đầu.
– Trĩ có thể được điều trị khỏi thông qua điều trị nội khoa hoặc các phương pháp vật lý. Vì vậy, chỉ sử dụng phẫu thuật như lựa chọn cuối cùng bởi nó có thể kèm theo các di chứng nặng nề về sau.
– Trĩ ngoại: Khi các biến chứng như nhiễm trùng, lở loét hay tắc mạch tạo thành những cục máu đông trong các búi trĩ xuất hiện, cần có chỉ định điều trị thủ thuật và phẫu thuật kịp thời từ các chuyên gia y khoa.
Cách phòng ngừa trĩ
- Bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ: như các loại rau, trái cây và ngũ cốc… nhằm làm mềm phân, giúp tránh được những căng thẳng dẫn đến trĩ hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ hiện có.
- Bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không nhận được đủ lượng chất xơ một ngày trong chế độ ăn uống. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung nhiều chất xơ sẽ giúp phân mềm, cải thiện các triệu chứng tổng thể và chảy máu từ bệnh trĩ.
- Uống nhiều chất lỏng: Uống nhiều nước và các chất lỏng không cồn khác để giữ cho phân mềm.
- Hạn chế thực phẩm, thức uống gây hại: rượu, bia, thức ăn cay…
- Tránh căng thẳng: nhằm giảm áp lực trong các tĩnh mạch ở trực tràng.
- Đi tiêu ngay khi có nhu cầu
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động sẽ giảm áp lực tĩnh mạch – có thể xảy ra khi đứng hoặc ngồi với thời gian dài, và để giúp ngăn ngừa táo bón.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: đặc biệt là đi vệ sinh vì có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
Kết luận
Trĩ là một căn bệnh phổ biến và rất thường gặp. Bệnh thường gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và thường có khuynh hướng tái đi tái lại, do tình trạng tăng áp lực ổ bụng kéo dài. Do đó việc thay đổi lối sống và chế độ ăn hợp lý và khoa học sẽ góp phần phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh khi đã xảy ra.
Be the first to write a comment.