5/5 - (1 bình chọn)

Từ xa xưa, người ta đã có câu “Thập nhân cửu trĩ”, có thể hiểu là 10 người thì có đến 9 người mắc trĩ. Câu nói đó cũng cho thấy bệnh trĩ có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Nếu chúng ta không biết về bệnh, không biết cách phòng tránh và điều trị kịp thời thì sẽ gặp rất nhiều phiền toái không đáng có.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ hay còn được gọi là bệnh lòi dom, đây là hậu quả của sự tăng áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn, khiến cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu, làm cho người mắc bệnh luôn có cảm giác đau đớn, khó chịu, đặc biệt là khi ngồi.

Bệnh trĩ chính là sự xuất hiện những cục thịt mềm tại ống hậu môn, viền hậu môn. Bệnh nhân có thể dễ dàng sờ thấy cục thịt nếu bệnh đang ở giai đoạn nghiêm trọng. Ở giai đoạn đầu những búi trĩ nội vẫn ở bên trong lòng ống hậu môn, phía trên đường lược, do vậy cần phải soi hậu môn trực tràng mới có thể quan sát thấy sự hình thành của chúng.

Bệnh trĩ được phân thành 3 loại:

  • Bệnh trĩ ngoại phần lớn là do phải rặn nhiều khi đại tiện, đại tiện phân khô… Từ đó, gây nứt các tĩnh mạch viền hậu môn, máu thấm dần vào trong mô liên kết, gây hiện tượng tụ máu, bệnh diễn ra đột ngột dẫn tới cảm giác đau dữ dội. Trĩ ngoại có búi trĩ ở ngay phía ngoài ống hậu môn.
  • Bệnh trĩ nội hình thành do tĩnh mạch trên trực tràng và nhánh của nó không có van tĩnh mạch, khi máu tĩnh mạch chảy từ dưới lên trên thông qua trực tràng chảy về tim, do tư thế đứng thẳng ở người, dưới tác dụng của lực hút trái đất làm dòng chảy này bị chảy ngược xuống, hiện tượng này làm cho phần hậu môn trực tràng bị tụ máu. Sự tích tụ lâu ngày sẽ làm cho hậu môn trực tràng bị căng phồng lên dẫn tới mắc bệnh trĩ. Như vậy, có thể thấy trĩ nội có búi trĩ phát sinh bên trong ống hậu môn. Cũng từ những biểu hiện khác thường mà trĩ nội được chia làm 4 độ: 

Độ 1 (búi trĩ chưa sa ra ngoài)

Độ 2 (búi trĩ đã sa ra ngoài và tự con lên được)

Độ 3 (búi trĩ đã sa ra ngoài nhưng phải dùng tay ấn mới lên)

Độ 4 (búi trĩ không tự co lên được) 

  • Bệnh trĩ hỗn hợp tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại. Thông thường, khi tình trạng diễn ra dài ngày, phần trĩ nội và phần trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau, tạo thành trĩ hỗn hợp. Búi trĩ nội, khi đã sa tới cấp độ 3, thường hiện diện dưới hình thái của trĩ hỗn hợp.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec): “Ở nước ngoài, khoảng 50% người trên 50 tuổi mắc trĩ. Còn riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Hội hậu môn trực tràng, tỉ lệ người dân mắc căn bệnh khó nói này cũng khoảng 35 – 50% (nữ giới mắc nhiều hơn nam giới). Bệnh nhân bị trĩ gặp nhiều ở các thành phố công nghiệp, thường làm những công việc đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động linh hoạt (nhân viên văn phòng, lái xe, giáo viên, thợ may, …)”.

9 nguyên nhân gây bệnh trĩ

Luôn trong trạng thái căng thẳng

Khi bản thân bạn luôn gặp tâm lý căng thẳng, não sẽ đồng thời sản sinh ra một chất gây áp lực lên toàn bộ cơ thể. Chất đó làm bạn cảm thấy mệt mỏi, hệ tiêu hóa bị ức chế, co giãn cơ vùng hậu môn bị giảm đột ngột. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh trĩ. 

Lười vận động

Khi bạn có cảm giác ngại vận động, cơ thể bỗng trở nặng nề, không linh hoạt, phản xạ kém. Các cơ trên toàn bộ cơ thể không được massage sẽ khiến lượng máu lưu thông chậm lại. Các cơ quan không được bơm đủ máu dẫn đến không có độ đàn hồi, nhịp nhàng, cơ thắt hậu môn hoạt động kém và suy yếu, lâu dần sẽ gây ra bệnh trĩ.

Chất xơ không được bổ sung đầy đủ 

Những người ăn ít chất xơ thường có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn bình thường. Trong các bữa ăn hàng ngày, cần cung cấp đủ rau xanh, hoa quả để bổ sung lượng chất xơ cần thiết. Các chất này góp phần giúp hệ tiêu hóa bài tiết tốt hơn, tránh tình trạng thiếu chất xơ dẫn đến bệnh trĩ.

Uống nước ít

Bạn biết đấy, 80% cơ thể là nước. Nước có tác dụng rất tốt trong việc tuần hoàn máu và giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Một người cần cung cấp đủ cho cơ thể 2 lít nước mỗi ngày. Không đủ nước cung cấp cho cơ thể không những gây ra các bệnh về da mà còn gây ra các căn bệnh về tiêu hóa, đặc biệt sự co bóp của hậu môn sẽ bị yếu đi, lâu dần hình thành nên bệnh trĩ.

Quá trình mang thai và sinh đẻ

Phụ nữ mang thai, tử cung ngày càng phát triển, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ trọng lượng thai nhi rất lớn sẽ dồn sức nặng xuống vùng xương chậu, vùng hậu môn, các tĩnh mạch trĩ bị chèn ép quá lớn gây ra bệnh lòi dom.

Đến ngày sinh nở, các bà mẹ phải dùng hết sức để đưa em bé ra ngoài làm cho các tĩnh mạch, mao mạch… ở vùng xương chậu, vùng hậu môn bị tác động nặng nề khiến bệnh trĩ phát triển.

Tuổi cao

Ở những người lớn tuổi, hệ tiêu hóa dần suy yếu, các cơ dọc theo ống hậu môn, cơ vòng có dấu hiệu suy giảm chức năng. Độ đàn hồi của cơ vòng kém, khiến tĩnh mạch trĩ bị mất nơi neo và trượt xuống dưới vùng hậu môn, gây nên hiện tượng táo bón ở người già và các bệnh về trĩ.

Đứng hoặc ngồi quá lâu

Do tính chất đặc thù của công việc, nhiều người phải thường xuyên đứng, ngồi nhiều trong thời gian dài khiến toàn bộ áp lực trong cơ thể dồn xuống vùng hậu môn trực tràng. Điều đó gây cản trở trong việc lưu thông máu ngược trở lại, gây tắc nghẽn khiến các tĩnh mạch trĩ sưng phồng quá mức.

Người mắc bệnh táo bón, tiêu chảy

Người bị bệnh táo bón và tiêu chảy phải liên tục đi vệ sinh sẽ làm cho các tĩnh mạch, thành ruột bị tổn thương gây áp lực lên vùng xương chậu, vùng hậu môn. Những người mắc các bệnh liên quan đến đường ruột là nguyên nhân của bệnh trĩ, con số này chiếm đến 80%.

Làm việc nặng thường xuyên

Những người thường xuyên làm việc nặng gây áp lực từ vùng ổ bụng xuống vùng hậu môn sẽ khiến các tĩnh mạch trĩ suy yếu, lâu dần là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác dẫn đến bệnh trĩ như: di truyền, khí hậu nhiệt đới (mưa nhiều, ẩm ướt, thời tiết thất thường), béo phì,…

Triệu chứng thường gặp của căn bệnh trĩ quái ác 

  • Chảy máu: Ban đầu, người bệnh khi mắc bệnh trĩ thường chảy máu rất ít, đa số chỉ phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân khô thấy vài tia máu nhỏ. Càng về sau, mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt, thành tia, cuối cùng những khối sa đó thường nằm ngoài hậu môn, bạn có thể nhìn thấy rất rõ.
  • Sa búi trĩ: Triệu chứng bệnh này thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi cầu bị chảy máu. Hiện tượng cụ thể, thời gian đầu sau mỗi khi đi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, khối đó tự tụt lại vào được. Càng về sau khối lồi ra đó càng to lên và không tự tụt vào sau khi đi cầu nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng, khối sa đó thường xuyên nằm bên ngoài hậu môn.
  • Sưng nề vùng hậu môn: Khi có đợt cấp hoặc khi trĩ sa ra ngoài, có thể búi trĩ sưng khá to kéo theo vùng hậu môn cũng bị sưng.
  • Rỉ nước, ẩm ướt và ngứa vùng hậu môn: búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gay viêm da quanh hậu môn, khiến bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
  • Đau đớn: Thông thường, bệnh trĩ không gây đau đớn, triệu chứng đau chỉ xảy ra khi có biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác nhau ở vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, apxe cạnh hậu môn… 

Bệnh trĩ ở thời kỳ đầu thường không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng khi không được điều trị, tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, tác hại của bệnh cũng vì thế mà tăng nhiều hơn. Do vậy, nếu không khám chữa kịp thời thì bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với bệnh nhân là nữ giới có thể gây ra viêm nhiễm phụ khoa, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản.

Cách phòng tránh – Những điều bạn không nên bỏ qua!

Phòng tránh bệnh trĩ như thế nào là điều mà rất nhiều người quan tâm. Không chỉ có dân văn phòng hay ngồi nhiều mới là đối tượng dễ mắc bệnh trĩ, mà ngay cả những người làm nghề giáo viên, lễ tân… cũng có thể mắc phải bệnh này do đứng nhiều. Vậy phải làm sao?

  • Hàng ngày, nên có thói quen đi đại tiện đều đặn bằng cách xoa bụng vòng theo khung đại tràng, nên đi vào một giờ cố định là tốt nhất và ít nhất là một lần mỗi ngày, dù có bận cũng không cố gắng nhịn. 
  • Thường xuyên tập các bài thể dục đơn giản như: đi bộ, tập yoga, đạp xe, tập bơi… Chỉ cần tập khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Không dùng các chất kích thích và ăn các đồ cay nóng như rượu bia, thuốc lá, tiêu, ớt để tránh táo bón và suy mạch. 
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể và giúp phân mềm hơn. 
  • Ăn nhiều các loại rau củ quả tươi, các thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa như rau đay, rau mồng tơi, rau lang, chuối, bơ… 
  • Tránh đứng nhiều, ngồi lâu hoặc ngồi xổm.
  • Vệ sinh bằng nước sạch sau mỗi lần đi cầu. Thông thường, việc rửa bằng nước sẽ làm hậu môn sạch hơn là lau bằng giấy. Khi bạn mắc bệnh trĩ, việc lau chùi bằng giấy khô thường gây đau đớn. Nếu đã mắc trĩ, người bệnh nên ngâm nước muối ấm (15 phút mỗi ngày) để xoa dịu cơn đau của trĩ và làm trĩ bớt sưng lên.

Điều trị bệnh trĩ như thế nào?

Rất nhiều bệnh nhân có suy nghĩ đơn giản là chữa bệnh trĩ bằng cách chỉ dùng thuốc bôi. Tuy nhiên, đây không phải là cách xử lý tốt nhất cho căn bệnh của bạn vì rất có thể bệnh sẽ lâu khỏi, dễ tái phát và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bệnh trĩ là căn bệnh khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và mất tự tin trong cuộc sống, căn bệnh này cần được áp dụng đúng phương pháp chữa trị thì bệnh thì mới dứt điểm. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà có thể điều trị theo phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa:

  • Phương pháp nội khoa: 
  • Phương pháp Tây y: Người bệnh phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc như: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc trợ tĩnh mạch, thuốc đặt, thuốc bôi, thuốc nhuận tràng… Sử dụng thuốc cần theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, không sử dụng linh tinh theo đơn thuốc của một bệnh nhân khác hoặc tự ý mua thuốc ngoài hiệu. Bệnh nhân sẽ dễ dàng tìm được cơ sở chữa theo phương pháp Tây y.
  • Phương pháp Đông y: Sử dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị từ nguyên nhân gây bệnh. Biện pháp này có ưu điểm ít tái phát, thêm vào đó là không có biến chứng, giảm được chi phí điều trị. Tuy nhiên, cần tìm đến cơ sở Đông y uy tín, có bác sĩ nhiều năm trong nghề.
  • Y học cổ truyền: Kết hợp các vị thuốc như hoè giác, hoàng cầm, đương quy, thục địa, phòng phong, chỉ xác, ô tặc cốt, địa du… có tác dụng quan trọng giúp điều trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, cần tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Phương pháp ngoại khoa
  • Áp dụng thủ thuật chích xơ, thắt búi trĩ bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại.
  • Phẫu thuật cắt trĩ từng búi, cắt trĩ vòng, cắt trĩ sa bằng stapler (phẫu thuật Longo, PPH…). Các phương pháp này được chỉ định cho trĩ nội ở độ 4, cuối độ 3 và trĩ ngoại có biến chứng, trĩ vòng sa. Để điều trị bằng các phương pháp phù hợp, người bệnh cần được thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám.

Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Quan trọng nhất vẫn là bạn nên giữ cho mình thói quen sinh hoạt hợp lý, kết hợp chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi thích hợp, lành mạnh. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho mọi người tránh xa được căn bệnh phiền toái này!

Xem thêm

Địa chỉ khám chữa bệnh trĩ tốt nhất tại Hà Nội là bệnh viện nào?

Các cơ sở y tế khám chữa bệnh trĩ đáng tin cậy ở TPHCM