Cao huyết áp uống gì để hạ là câu hỏi của nhiều người. Bởi ngày nay, cao huyết áp là một căn bệnh mang tính toàn cầu và ngày một gia tăng. Tăng huyết áp đồng nghĩa với rất nhiều nguy cơ như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Chỉ cần giảm nhẹ huyết áp cũng đã làm giảm thiểu các nguy cơ xảy ra các biến chứng này.
Khái niệm và nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp
Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg, và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng huyết áp. Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành thường không rõ nguyên nhân, chỉ có khoảng 10 % là các trường hợp có nguyên nhân: Bệnh thận cấp hoặc mạn tính, viêm cầu thận, Cushing, cường Aldosteron tiên phát….
Hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc được dùng để hạ huyết áp.
1. Nhóm thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu làm tăng thải Na+ dẫn đến tăng thải nước làm giảm thể tích tuần hoàn và cung lượng tim, từ đó dẫn đến hạ huyết áp.
Trong nhóm thuốc lợi tiểu này lại được chia làm 3 nhóm nhỏ:
1.1 Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid/ tương tự thiazid:
Hydochlorothiazid, bendroflumethiazid, indapamid, chlrothalidon là những hoạt chất tiêu biểu của nhóm này. Nhóm này có ưu điểm là giá thành thấp và được dung nạp tốt trên phần lớn bệnh nhân. Đây là nhóm thuốc được thử nghiệm trên lâm sàng đã chứng minh vai trò làm tử suất do tai biến tim mạch.
1.2 Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali
Nhóm thuốc này có thể phối hợp với nhóm lợi tiểu thiazid/ tương tự thiazid nhằm hạn chế mất kali. Spironolacton là một thuốc tiêu biểu của nhóm này.
1.3 Thuốc lợi tiểu quai
Thuốc lợi tiểu quai không có hiệu quả hạ huyết áp tốt hơn so với nhóm lợi tiểu thiazid. Nhóm lợi tiểu quai thường dùng trong trường hợp tăng huyết áp kèm theo suy tim hoặc suy thận.
Các thuốc tiêu biểu của nhóm này là Bumetanid, Furosemid, Torsemid.
2. Thuốc chẹn bêta giao cảm
Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này là ức chế cạnh tranh với các catecholamin ở thụ thể bêta gây giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim dẫn đến hạ huyết áp. Trên thận, nhóm thuốc này sẽ làm giảm tiết renin gây hạ huyết áp.
Các thuốc phổ biến của nhóm này là: Propanolol, Nadolol, Metoprolol, Carvedilol,..
3. Thuốc chẹn kênh calci
Nhóm thuốc này sẽ ức chế ion Ca2+ đi vào tế bào cơ tim và cơ trơn gây giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi và dẫn đến hạ huyết áp. Bên cạnh đó, thuốc chẹn kênh calci còn làm giảm sức co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, làm chậm nhịp tim. Nhóm thuốc này được chia làm 2 nhóm nhỏ:
3.1 Nhóm dihydropyridin
Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này sẽ ưu tiên hoạt động trên mạch hơn là tim. Các thuốc nifedipin, amlodipin, felodipin có tác dụng nhanh và mạnh.
3.2. Nhóm non – dihydropyridin
Đại diện cho nhóm này là Verapamil và diltiazem, nhóm thuốc này thì ngược lại với các thuốc nhóm dihydropyridin, nó tác dụng chủ yếu trên tim hơn là trên mạch. Đồng thời thuốc có tác dụng giãn mạch vành nên thường được sử dụng trong các trường hợp đau thắt ngực.
4. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
Cơ chế tác dụng của thuốc này là gắn vào ion kẽm của men chuyển angiotensin I dẫn đến tình trạng làm giảm tốc độ chuyển angiotensin I thành angiotensin II. Angiotensin II là một chất có tác dụng co mạch mạnh. Do đó, nhóm ức chế men chuyển có tác dụng giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi và dẫn đến hạ huyết áp.
Những thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như: Captopril, Lisinopril, Benazepril, Cilazepril,…
5. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin
Các thuốc thuộc nhóm này sẽ phong bế sự gắn angiotensin II vào thụ thể AT1 ở các mô như cơ trơn và tuyến thượng thận nên làm giãn mạch và giảm tiết aldosteron. Các thuốc tiêu biểu của nhóm này có thể kể đến: Losartan, Irbesartan, Valsartan,..
Việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp phải dựa vào các nguyên tắc sau:
– 5 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp kể trên có thể điều trị khởi đầu, hoặc duy trì, có thể đơn độc hay phối hợp trên bệnh nhân. Việc phối hợp các loại thuốc phải đáp ứng đủ các điều kiện: các thuốc phối hợp phải có cơ chế tác dụng khác nhau, đã có thử nghiệm chứng minh lợi ích của việc phối hợp 2 nhóm thuốc lại với nhau, việc phối hợp giúp bệnh nhân dung nạp thuốc tốt hơn, giảm thiểu được tác dụng không mong muốn của thuốc.
– Cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc.
– Cần duy trì tác dụng hạ huyết áp suốt 24 giờ. Cần theo dõi huyết áp thường xuyên.
Huyết áp là một bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hằng ngày. Các thuốc huyết áp trước khi sử dụng phải có sự tư vấn của bác sĩ và dược sĩ vì phải đúng loại đúng trường hợp của bệnh nhân thì thuốc mới đạt được tác dụng hạ áp một cách tốt nhất, bệnh nhân không nên tự ý lựa chọn một loại thuốc trong 5 nhóm trên để uống. Trên đây là 5 nhóm thuốc hạ huyết áp cho người bị cao huyết áp hy vọng đã giúp trả lời được câu hỏi cao huyết áp uống gì để hạ của nhiều bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên đây chỉ là những thông tin mang tính chất tham khảo, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám cụ thể để có kết quả điều trị hiệu quả nhất.
Be the first to write a comment.