Rate this post

Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường khiến cho cơ thể dễ mắc các bệnh cảm cúm, sốt. Ngoài việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt thì bạn có thể giải cảm bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng từ bên trong. Cháo giải cảm là sự lựa chọn tuyệt vời trong những lúc mệt mỏi, cảm sốt. Sau đây là một số gợi ý cách nấu cháo giải cảm sốt mà bạn có thể tham khảo.

Cách nấu cháo giải cảm sốt cho mọi độ tuổi

Cháo trứng tía tô

Nhắc đến cháo giải cảm, chúng ta không thể không nhắc đến một loại cháo truyền thống mà mọi người Việt Nam đều biết đến, đó là cháo trứng tía tô. Cháo tía tô rất thích hợp sử dụng với căn bệnh cảm mạo. Trong Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, có tác dụng tiêu đờm, hạ khí, rất hiệu quả trong việc chữa các triệu chứng ho, sốt, tức ngực và thở gấp.

Để nấu món cháo tía tô giải cảm, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • 30 – 80g gạo
  • Lá tía tô thái nhỏ
  • 4 – 10g gừng tươi
  • 6 – 12g hành khô
  • Hành hoa
  • 1 quả trứng gà ta
  • Gia vị: muối ăn, hạt tiêu,… nêm vừa ăn

Cách làm:

  • Vo gạo thật sạch, ngâm nước khoảng 30 – 60 phút cho gạo nở, giúp rút ngắn thời gian nấu cháo.
  • Hành hoa rửa sạch, cắt nhỏ, gừng thái nhỏ, củ hành đập dập.
  • Cho gạo vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu đến khi cháo gần chín thì nêm gia vị, đập lòng đỏ trứng, đánh cho tan, thêm tía tô, hành, gừng vào và khuấy thật đều. Nếu không thích ăn trứng bạn có thể không cần cho vào cũng được.

Món cháo tía tô nên ăn lúc còn nóng để chúng có thể phát huy tối đa công dụng giải cảm. Nên ăn 3 bữa một ngày trong vòng 1 – 2 ngày sẽ chóng khỏi hơn.

Cháo hành

Cháo hành cũng được biết đến là loại cháo dân dã nhưng có tác dụng giải cảm vô cùng tốt. Theo Đông y, hành lá có vị cay, tính nóng, có tác dụng giúp cơ thể đổ mồ hôi, lưu thông khí huyết, lợi tiểu, hoạt huyết, hỗ trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai,… thường được dùng để chữa nhức đầu, sổ mũi, cảm lạnh, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng lạnh.Để nấu cháo hành, ta cần những nguyên liệu sau:

  • Gạo tẻ hoặc gạo nếp tùy ý thích
  • Hành lá
  • Gia vị: Hạt tiêu, muối,…

Cách nấu món cháo này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần nấu cháo như bình thường rồi đến khi gần chín thì cho gia vị, hành lá đã được rửa sạch, cắt nhỏ vào nồi, đợi hành tái thì tắt bếp. Nên ăn cháo nóng để tăng hiệu quả giải cảm. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm thịt băm vào để món cháo thêm ngon miệng và bổ dưỡng hơn.

Cháo đậu xanh

Đậu xanh là loại thực phẩm thanh nhiệt, hạ sốt quen thuộc của người Việt Nam. Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng, trị các bệnh cảm mạo. Đậu xanh còn chứa nhiều protein và axit amin tốt cho dạ dày, lá lách, giúp kích hoạt các tế bào lympho sản xuất kháng thể chống lại tế bào gây hại cho cơ thể rất hiệu quả.Để nấu cháo đậu xanh, bạn cần chuẩn bị 1⁄3 lon đậu xanh rửa sạch, loại bỏ hạt lép, hạt hỏng, ngâm nước trong vòng 1 giờ đồng hồ. Sau đó, bạn vo sạch gạo rồi cho vào nồi nấu chung với đậu xanh cùng 500ml nước. Khi cháo bắt đầu sôi thì bạn vặn lửa thật nhỏ, thêm nước cho đậu và gạo chín mềm, nêm nếm gia vị vừa miệng rồi cho người bệnh dùng ngay. Nên tích cực ăn cháo đậu xanh trong 3 – 4 ngày, mỗi ngày 2 bữa để mau hạ sốt.

Cháo gà

Cháo gà là món cháo giải cảm quen thuộc trong dân gian, phù hợp để điều trị các bệnh sổ mũi, viêm họng ở cả người lớn và trẻ em. Thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, giàu đạm, amino axit, có khả năng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị chứng hư hàn, phế hư, long đờm, giải cảm.Để nấu món cháo gà, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

  • 1⁄2 con gà ta
  • 1 bát gạo tẻ
  • 50g hạt sen
  • Hành hoa, gia vị vừa ăn

Cách làm:

  • Gà ta rửa sạch, luộc chín, vớt ra, lọc xương, xé nhỏ. Phần xương cho vào nồi để ninh lấy nước.
  • Gạo và hạt sen rửa sạch, cho vào nước dùng gà nấu cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn.
  • Khi cháo gần chín, bạn cho thịt gà và hành lá vào nấu thêm 10 phút nữa.
  • Cháo chín, bạn bắc ra bếp và dùng ngay khi còn nóng, ăn thường xuyên trong 2 – 3 ngày để nhanh khỏe.

Cháo thịt băm gừng

Cháo thịt băm gừng là sự kết hợp hoàn hảo trong việc làm ấm cơ thể, giải cảm mạo. Gừng tươi có tác dụng làm ấm cơ thể, kinh phế, tỳ vị, thận, đại tràng, chống lạnh, hồi dương, thông lạch, có thể được dùng làm chữa các bệnh đau bụng, thổ tả, sình bụng, mạch yếu, cảm lạnh, ho, chân tay lạnh,….Nguyên liệu nấu cháo thịt băm gồm có:

  • 200g gạo
  • 100g thịt lợn băm
  • 10g gừng tươi
  • Gia vị: Hành lá, hành khô, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu…

Cách làm:

  • Thịt rửa sạch, ướp hạt nêm, nước mắm, dầu ăn, hạt tiêu với một lượng vừa đủ.
  • Gừng rửa sạch, thái lát mỏng.
  • Gạo sau khi được vo sạch thì cho vào nồi nấu với nước. Sau đó cho thịt băm vào khuấy đều cho thịt rã ra và chín đều. Cho gừng vào và nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.

Chú ý: Tuyệt đối không được dùng cháo gừng thịt băm trong trường hợp sốt cao vì có thể gây ra những tổn thương ở mạch máu và khí huyết. Trên đây là những cách nấu cháo giải cảm sốt mà bạn có thể áp dụng khi bị cảm cúm, sốt. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu tính kiềm như cà chua, táo, nho, hải sản, cà rốt và những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A và vitamin C như trứng, sữa, rau, cam, quýt,… để cải thiện sức khỏe, mau chóng hồi phục bệnh.

Xem thêm