Tàn nhang chỉ gây thương tổn ở vùng thượng bì (lớp nông của da) nên có thể loại bỏ hoàn toàn nếu chăm sóc và điều trị đúng cách.
Tàn nhang là gì?
Tàn nhang là một dạng rối loạn sắc tố da có tính chất di truyền. Tình trạng này đặc trưng bởi các đốm nhỏ, có màu xanh – nâu nhạt đến nâu đậm xuất hiện ở những vùng da hở như da mặt, tay, cổ và lưng những vùng da phơi nắng, phát triển vào mùa hè.
Hầu hết các đốm tàn nhang xảy ra do hiện tượng tăng sản xuất melamin tại chỗ hơn là gia tăng số lượng các tế bào hắc tố.
Triệu chứng lâm sàng tàn nhang
Tàn nhang có nhiều màu, có thể đỏ, vàng, nâu sậm, nâu nhạt, nâu đen. Chúng luôn đậm hơn màu da xung quanh do lắng đọng sắc tố melamin.
Tàn nhang thường gặp ở người có làn da trắng, mỏng và người có tiền sử gia đình mắc các bệnh da liễu do tăng sắc tố melanin. Mặc dù không gây ngứa ngáy hay khó chịu nhưng các đốm nâu do tàn nhang ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và yếu tố tâm lý.
Tuổi càng cao nốt tàn nhang càng sẫm màu hơn
Tia UV-B trong ánh nắng mặt trời có khả năng kích thích các tế bào melanocytes tăng sản xuất melanin khiến da hình thành các đốm nâu trên bề mặt. Tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên còn làm tăng màu sắc và số lượng của các đốm tàn nhang. Do đó, tàn nhang thường có xu hướng đậm hơn vào mùa hè và nhạt màu vào mùa đông.
Tàn nhang chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ không gây hại đến sức khoẻ.
Phân biệt tàn nhang
Nốt ruồi: Những chấm tăng sắc tố màu đen gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Nám má – đốm nâu: dát màu nâu, đường kính rộng vài cm, thường xuất hiện hai má, vùng thái dương và trán phụ nữ có thai, mãn kinh hoặc đang uống thuốc tránh thai.
Nốt ruồi son ác tính: Đây là bệnh hiếm xảy ra thường ở trên mặt người già có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng chiều. Sau nhiều năm không điều trị sẽ dẫn đến ung thư ác tính.
Melanom: Một dạng ung thư da rất nguy hiểm, có thể xuất hiện ở người trẻ. Khoảng 40 – 50% melanom phát triển từ nốt ruồi. Tuy nhiên so với tàn nhang, melanom có kích thước lớn hơn, đen hơn và không có hình dạng màu sắc nhất định như một tàn nhang bình thường.
Ung thư tế bào đáy: Là ung thư da phổ biến thường gặp, thường có màu đỏ, óng ảnh. Thỉnh thoảng có màu nâu nhầm với tàn nhang.
Các phương pháp điều trị tàn nhang phổ biến
Thuốc bôi Tretinoin: Thuốc bôi Tretinoin (dẫn xuất của vitamin A) có tác dụng ức chế sản sinh keratin, tái tạo các mô liên kết, làm bong tế bào vảy, hạn chế tích tụ bã nhờn trong nang lông và thúc đẩy đổi mới tế bào biểu bì. Tretinoin được sử dụng để làm mờ đốm tàn nhang, vết thâm sẹo, nám da, ngăn ngừa lão hóa và trị mụn. Ngoài ra, loại thuốc này còn được dùng để điều trị vảy nến và viêm nang lông.
Kem làm trắng (chứa hydroquinon và acid kojic, axit latic) có thể sử dụng không cần chỉ định. Nồng độ hydroquinon cao hơn (trên 20%) thì cần có chỉ định.
Phẫu thuật lạnh: Một nguồn sáng lạnh với khí ni tơ lỏng để điều trị tàn nhang. Chấm nito lỏng lên các đốm nâu có thể phá vỡ và loại bỏ các mô da thâm sạm. Sau khi chấm nito, vùng da tiếp xúc sẽ có xu hướng đậm màu, khô lại và bong ra hoàn toàn sau khoảng 1 tuần. Sử dụng nito lỏng có thể khiến da giảm sắc tố hoặc hình thành sẹo lõm nếu không chăm sóc đúng cách.
Phương pháp đốt điện, dùng tia laser với bước sóng chọn lọc nhằm phá hủy sắc tế melanin ở lớp thượng bì. Ưu điểm của phương pháp này là cho hiệu quả nhanh (chỉ sau vài lần chiếu), không gây đau, chảy máu hay khó chịu khi thực hiện. Tuy nhiên nếu không chăm sóc đúng cách, da có thể bị sẹo lõm, tăng sắc tố và tái phát tàn nhang.
Phòng ngừa giảm thiểu tàn nhang
Với những người có làn da đặc biệt nhạy cảm, dễ tổn thương với ánh sáng mặt trời, tàn nhang có thể dẫn đến ung thư da. Vì thế, việc phòng ngừa luôn tốt hơn là để tàn nhang xuất hiện mới điều trị.
Những người bị tàn nhang do yếu tố di truyền, cần che chắn bất cứ khi nào thích hợp và hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Điều này giúp ngăn ngừa tàn nhang phát sinh đồng thời giảm thiểu nguy cơ gây ung thư da.
Tránh ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian ánh sáng mặt trời khắc nghiệt nhất trong ngày. Khi ra ngoài trời, đội mũ rộng vành, mặc quần áo tay dài có cổ.
Sử dụng kem chống nắng có thành phần cản tia UAV và UBV. Bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài trời, dùng kem chống nắng có chỉ số SPF lớn hơn 15 bôi vào vùng da hở trước khi da nắng 20 – 30 phút) ngay cả khi bạn đi taxi, đội mũ, che ô và kể cả khi trời nhiều mây. Cứ 2 tiếng đồng hồ lại bôi kem chống nắng một lần.
Kiểm tra thành phần của các loại dược phẩm mà bạn đang sử dụng. Có thể một trong các thành phần này có khả năng làm tăng sự nhạy cảm của da bạn đối với ánh nắng mặt trời, ví dụ acid alpha hydroxy và benzoly peroxide và một số thành phần trong thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai.
Chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin A, C, E có trong rau củ, trái cây, uống nhiều nước cũng góp phần làm tăng khả năng đề kháng của da dưới sức nóng mặt trời.
(Chia sẻ từ Bác sĩ: TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh và Ths. BS Trần Lê Hồng Ngọc)
Be the first to write a comment.