Theo sự phát triển và tiến bộ của khoa học công nghệ, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm được phương pháp hỗ trợ phù hợp để sinh con như phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm… Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu thụ tinh trong ống nghiệm như thế nào? Thời gian thụ tinh trong ống nghiệm mất bao lâu? Các lưu ý khi chăm sóc bà bầu thụ tinh trong ống nghiệm?
Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization- IVF) là phương pháp phổ biến hiện nay để điều trị cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Giống như cái tên, phương pháp này được hiểu đơn giản là phương pháp thụ tinh trứng của người mẹ và tinh trùng của người bố trong phòng thí nghiệm, thay cho quá trình thụ tinh tự nhiên trong tử cung người mẹ.
Quá trình thụ tinh này được hỗ trợ bởi các kĩ thuật và thiết bị thích hợp để quá trình tạo ra được phôi thai mạnh khỏe và có thể phát triển tốt. Sau khi phôi thai sau khi được hình thành được sàng lọc, phôi sẽ được đưa trả lại và làm tổ ở trong tử cung của người mẹ.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm và thời gian thụ tinh trong ống nghiệm?
Thời gian của một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm được tính bằng khoảng thời gian từ lúc chích thuốc đến lúc thử thai. Thời gian thụ tinh trong ống nghiệm vì thế có thể dao động từ 4-6 tuần tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với thuốc và sức khỏe của bà mẹ.
Về quy trình: Các bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng, tiến hành nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm sau đó chuyển phôi vào tử cung người mẹ. Thông thường quá trình thụ thai ống nghiệm được tiến hành theo 5 bước:
Bước 1: Kích thích nang trứng trưởng thành và chín
Người vợ sẽ được bác sĩ chỉ định cho sử dụng một số loại thuốc có khả năng kích thích buồng trứng cũng như để tăng số lượng nang trứng. Trong quá trình đó người vợ sẽ được theo dõi định kỳ chỉ số nồng độ hoc môn trong máu và siêu âm màng trứng để xác định thời điểm nang trứng đạt kích thước phù hợp.
Khi nang trứng đã đạt yêu cầu, người vợ sẽ được tiêm một mũi cuối cùng để kích thích trứng chín. Quá trình này có thể kéo dài từ 10-12 ngày tùy thuộc vào khả năng sinh noãn của buồng trứng và sức khỏe sinh sản của người mẹ.
Bước 2: Tiến hành lấy trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng
Sau khi theo dõi và đánh giá trứng đạt yêu cầu, một cuộc tiểu phẫu nhỏ sẽ được tiến hành để chọc hút lấy trứng ra khỏi buồng trứng. Trứng đạt yêu cầu sẽ được lấy ra bằng một ống rỗng nhỏ luồn qua đường âm đạo.
Tuy nhiên tiểu phẫu này vẫn có thể gây ra cảm giác đau, nhưng bạn đừng lo lắng vì việc gây mê sẽ làm bạn mất cảm giác đau và khó chịu khi phẫu thuật.
Cùng thời điểm nhân viên ý tể cũng tiến hành lấy tinh trùng của người chồng hoặc tinh trùng đông lạnh. Quá trình hút trứng kéo dài khoảng 10-15 phút, người vợ có thể được giữ lại chăm sóc và phục hồi sức khỏe khoảng 2-3 giờ sau đó.
Bước 3: Thụ tinh trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm.
Trứng và tinh trùng sau đó sẽ ngay lập tức được chuyển đến phòng thí nghiệm. Tinh trùng sau khi được tách ra khỏi tinh dịch sẽ được thụ tinh với trứng trong các điều kiện lý tưởng và được kiểm soát nghiêm ngặt để đạt được môi trường tương tự như cơ thể người mẹ.
Thời gian quá trình nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm này có thể từ 2 ngày đến 5 ngày.
Ngoài ra để tạo điều kiện cho phôi thai được “làm tổ” trong điều kiện thuận lợi nhất, người vợ có thể được chỉ định uống thuốc và sử dụng viên đặt âm đạo, nghỉ ngơi và sinh hoạt phù hợp để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi.
Trong trường hợp xác suất thụ tinh quá thấp, bác sĩ có thể dùng biện pháp thụ tiêm trực tiếp tinh trùng và trứng vào buồng trứng (ICSI) để tăng khả năng thụ tinh.
Bước 4: Chuyển phôi
Trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh và nuôi dưỡng sẽ được chuyển trả lại buồng tử cung. Có thể cùng một lúc có nhiều phôi thai được hình thành, bác sĩ sẽ thông báo và hỏi ý kiến của cặp vợ chồng về số lượng phôi thai chuyển vào tử cung và số phôi đông lạnh( nếu cần thiết).
Nếu thành tử cung của người vợ đật đủ điều kiện để phôi “làm tổ”, phôi sẽ được chuyển vào cơ thể người vơ bằng một cuộc tiểu phẫu. Sau đó người vợ có thể sẽ phải nghỉ ngơi 4-6h tại bệnh viện để ổn định sức khỏe.
Bên cạnh đó, người mẹ sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc hoc môn nội tiết để nuôi dưỡng và phát triển phôi trong 2 tuần.
Ngoài ra trong trường hợp lưu giữ phôi thai đông lạnh, người vợ có thể sẽ được theo dõi bằng siêu âm để xác định thời điểm niêm mạc tử cung đạt điều kiện phù hợp để cấy phôi thai lưu trữ.
Lúc này thời gian thụ tinh trong ống nghiệm sẽ kéo dài hơn so với cấy phôi thai trực tiếp ngay sau khi thụ tinh.
Bước 5: Thử thai
Sau 2 tuần, người vợ sẽ được kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu để xác định kết quả. Nếu kết quả là mang thai, người mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong trường hợp không thành công, có thể xem xét đến việc đưa lại phôi vào tử cung, nếu còn phôi thai tích trữ đông lạnh.
Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp phổ biến hiện nay. Tuy nhiên phương pháp này cũng yêu cầu kỹ thuật rất cào và đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế có tay nghề, giỏi chuyên môn.
Thời gian để một cặp vợ chồng hiếm muộn có con ngắn hay dài cũng tùy thuộc rất nhiều vào những yêu cầu về kỹ thuật và con người. Thời gian thụ tinh trong ống nghiệm thường kéo dài khoảng 4-6 tuần là hoàn toàn bình thường.
Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công là bao nhiêu?
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp áp dụng cho các trường hợp người vợ bị tắc vòi dẫn trứng, người chồng có vấn đề nhẹ về tinh trùng, hoặc chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến vô sinh.
Hầu hết bác sĩ chỉ định cho các bệnh nhân dùng phương pháp này khi cặp vợ chồng đã áp dụng một số biện pháp thời gian dài trước đó mà không thành công.
Tuy nhiên tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn còn khá thấp khoảng 35-40% ở Việt Nam, trên thế giới có thể đạt khoảng 40%. Tùy thuộc vào con người, kỹ thuật, thiết bị và phương pháp chăm sóc mà tỷ lệ này có thể cao hơn.
Be the first to write a comment.