Tiểu đường tuýp 2 là một trong 3 dạng bệnh tiểu đường thường gặp. Dù không lây nhiễm nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, căn bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm ở các bộ phận cơ thể khác.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường tuýp 2 hay đái tháo đường tuýp 2 là một trong những tình trạng lượng đường trong máu quá cao. Cụ thể, ở trạng thái thông thường, mỗi người sẽ có một lượng đường (glucose) nhất định trong máu làm nhiệm vụ tạo ra năng lượng. Lượng glucose này được phân huỷ từ thức ăn và đưa vào máu. Đồng thời insulin, nội tiết tố được tuyến tụy tạo ra, sẽ giúp glucose đi từ máu vào các tế bào để tạo ra năng lượng, duy trì cho các hoạt động của cơ thể.
Khi bị tiểu đường tuýp 2, cơ thể bạn không thể tạo ra hoặc sử dụng insulin hiệu quả. Nếu không có insulin, lượng glucose sẽ tích tụ trong máu và tạo thành bệnh tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở tim, mắt, thần kinh, thận,…
Đái tháo đường tuýp 2 là bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, căn bệnh này thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi trung niên và cao tuổi. Những người ít vận động, béo phì, người bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp,…. cũng là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân bệnh tiểu đường tuýp 2
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 là do chức năng hormone insulin bị suy giảm, không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng cần thiết cho tế bào. Khi đó, lượng glucose này sẽ còn nguyên trong máu. Sau thời gian, sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao đáng kể, hay còn được gọi là tăng đường huyết.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể phải kể tới:
Cân nặng: Những người béo phì, cơ thể có càng nhiều mỡ, tế bào càng trở nên kháng insulin.
- Lười vận động: Những người lười vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn. Bởi hoạt động thể chất cũng giúp kiểm soát cân nặng, tiêu hao năng lượng và khiến các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
- Tiền sử gia đình: Gia đình có mẹ, anh chị em mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn bình thường.
- Tuổi tác: Bệnh tiểu đường thường có xu hướng xuất hiện ở những người trung tuổi và cao tuổi, đặc biệt là sau 45 tuổi. Điều này có thể do xu hướng ít vận động, giảm cơ, tăng cân theo độ tuổi. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên hay những người trưởng thành trẻ tuổi.
- Huyết áp cao: Những người có huyết áp cao trên 140/90 (mmHg) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có huyết áp bình thường.
- Cholesterol và triglycerid bất thường: Một người có lượng HDL-cholesterol “tốt” ít sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. Ngoài ra, chỉ số triglyceride cao cũng là nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh tiểu đường. Để biết nồng độ cholesterol hay triglyceride của bản thân là bao nhiêu, bạn cần liên hệ với bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Những người bị bệnh buồng trứng đa nang có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn người bình thường. Đây là bệnh lý phụ khoa với các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tóc mọc nhanh, béo phì,…
- Tiểu đường thai kỳ: Những người mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người khác.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường loại 2
Trên thực tế, nhiều trường hợp bệnh tiểu đường tuýp 2 không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng nên nhiều người thường chủ quan, xem thường bệnh. Khi các dấu hiệu bệnh quá rõ ràng thì bệnh cũng ở giai đoạn trầm trọng, có thể đã xuất hiện các biến chứng đi kèm.
Vì thế, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh là điều cần thiết, quan trọng để giúp người bệnh sớm tìm được hướng điều trị phù hợp, phòng tránh các biến chứng. Cụ thể, một số dấu hiệu có thể cho thấy bạn đang mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 phải kể tới:
Khát nước liên tục và đi tiểu thường xuyên
Khi mắc phải căn bệnh này, thận sẽ không thể hấp thụ được lượng đường dư thừa. Thay vào đó, nó sẽ tích tụ trong nước tiểu, khiến các mô dễ bị mất nước. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn và cảm thấy khát nước nhiều. Càng khát nước, người bệnh càng uống nước nhiều và việc đi tiểu cũng nhiều hơn.
Mắt nhìn mờ dần, không rõ nét
Lượng đường trong máu cao sẽ được chuyển tới tròng mắt, làm thay đổi khúc xạ mắt từ đó dẫn tới tình trạng mắt mờ, nhìn không rõ, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Dấu hiệu tiểu đường tuýp 2: Hay cảm thấy đói
Lượng insulin trong cơ thể không đủ hoặc phân bố không hiệu quả sẽ chuyển đường vào các tế bào cùng các cơ quan khác khiến người bệnh mất nhiều năng lượng. Điều này gây ra hiện tượng đói lả, thèm ăn và muốn bổ sung calo để tăng năng lượng.
Thường xuyên mệt mỏi
Lượng đường trong máu cao sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ do người bệnh cần thức giấc đi tiểu nhiều. Ngoài ra, người bị mắc tiểu đường tuýp 2 cũng khó chuyển hóa đường thành năng lượng, từ đó khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.
Giảm cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân
Insulin trong cơ thể giúp bảo vệ hệ cơ và mỡ toàn thân. Nếu lượng insulin không đủ, người bệnh có thể gặp tình trạng giảm cân. Nếu thấy bản thân giảm cân đột ngột mà không rõ lý do ngay cả khi ăn uống bình thường, hãy cẩn thận có thể bạn đã mắc bệnh tiểu đường.
Khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể, nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, bạn cần chú ý để có biện pháp ngăn ngừa sự phát triển bệnh. Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, bạn nên xây dựng cho mình thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và đặc biệt đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không?
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, nhất là tim, mạch máu, thận hay mắt, cụ thể:
Biến chứng tim mạch
Ảnh hưởng của đường huyết có thể dẫn tới các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Các bệnh tim mạch này cũng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở những người đái tháo đường. Do đó, bệnh nhân cần hết sức chú ý, không được chủ quan với bệnh.
Biến chứng thận
Tiểu đường tuýp 3 có thể khiến các mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương, từ có làm suy giảm chức năng thận hoặc gây suy thận. Thực tế đã chứng minh những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn những người không mắc. Do đó, người tiểu đường cần duy trì mức glucose máu ổn định, huyết áp bình thường để giảm nguy cơ mắc bệnh thận.
Bệnh thần kinh ngoại vi
Đái tháo đường tuýp 2 có thể gây tổn thương các dây thần kinh khắp cơ thể do lượng glucose và huyết áp quá cao. Điều này gây ra các vấn đề tiêu hoá, rối loạn cương dương cùng nhiều vấn đề khác.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của bệnh tiểu đường là các chi, nhất là bàn chân do cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu. Tổn thương thần kinh vùng này còn được biết đến là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Người bị bệnh thần kinh ngoại vi thường bị đau, ngứa, mất cảm giác. Nếu thấy mất cảm giác, bệnh nhân cần cẩn thận bởi đây là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây nhiễm trùng nặng, phải cắt cụt các chi.
Bệnh võng mạc
Người bị đái tháo đường hầu hết sẽ gặp một số bệnh về mắt, làm suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mù loà. Tình trạng này có thể được kiểm soát nhờ việc kiểm tra mắt thường xuyên, giữ lượng glucose ổn định và đưa huyết áp về gần hoặc bình thường.
Biến chứng khi mang thai
Glucose máu cao trong thai kỳ có thể khiến thai nhi nặng cân, gây khó sinh. Ngoài ra, bệnh có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sơ sinh. Những đứa trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong thai kỳ cùng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai cao hơn những trẻ khác.
Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 thế nào?
Để xác định người bệnh có mắc tiểu đường hay không, các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm như đo đường huyết lúc đói, xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm hemoglobin A1C, xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên.
Nếu đã được chẩn đoán mắc tiểu đường, người bệnh có thể cần kiểm tra sức khoẻ 3 tháng/ lần để kiểm tra huyết áp, da và xương ở chân, kiểm tra nồng độ cholesterol, triglyceride, kiểm tra phần sau của mắt…. Các kiểm tra sẽ giúp bạn kiểm soát diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Để điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. Một số trường hợp cần sử dụng thuốc để giúp cơ thể sử dụng glucose tốt hơn. Các loại thuốc thường gặp trong điều trị tiểu đường tuýp 2 phải kể tới: Biguanides như metformin, Sulfonylureas như glimepiride, gliclazide, thuốc ức chế alpha-glucosidase như acarbose hoặc miglitol,….
Nếu các loại thuốc điều trị không hiệu quả, bệnh nhân cần được tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Insulin không thể dùng qua đường uống bởi axit trong dạ dày sẽ phá huỷ nó. Do đó, bệnh nhân phải tiêm dưới da.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất một lần/ ngày. Bệnh nhân cũng cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nội tiết, bác sĩ nhãn khoa…. để ngăn bệnh xuất hiện biến chứng.
Cần làm gì giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được kiểm soát hiệu quả dựa vào việc thay đổi thói quen và lối sống lành mạnh. Để ngăn ngừa bệnh phát triển cũng như giảm nguy cơ gặp biến chứng, người bệnh cần chú ý một số vấn đề như sau:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Hiệp hội Đái tháo đường thế giới đã đưa ra khuyến cáo về chế độ ăn uống lành mạnh cho người tiểu đường. Trong đó, bệnh nhân cần lưu ý:
- Uống nước lọc thay vì cà phê, nước trái cây có đường, nước ngọt, đồ uống có đường….
- Bổ sung rau xanh, trái cây tươi vào chế độ ăn uống, ăn ít nhất 3 suất rau, 3 suất trái cây/ tuần.
- Nên ăn trái cây tươi hoặc sữa chua không đường vào các bữa ăn nhẹ.
- Không uống các loại đồ uống có cồn, chất kích thích
- Chọn các loại thịt nạc, thịt gia cầm, hải sản, tránh thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.
- Ăn bơ đậu phộng, tránh socola, mứt.
- Nên ăn bánh mì, gạo, mỳ ống nguyên cám.
- Ưu tiên các loại chất béo không no như dầu ô liu, dầu ngô, dầu hướng dương…. và tránh xa các loại chất béo bão hoà như bơ, chất béo động vật, dầu dừa hay dầu cọ.
Tập thể dục thường xuyên, khoa học
Bên cạnh ăn uống đúng cách, người bệnh cần tập luyện thể dục để ngăn ngừa biến chứng bệnh. Cụ thể:
- Đi bộ 150 phút/ tuần (khoảng 30 phút/ ngày), nên luyện tập đều đặn, không ngắt quãng ngày nào.
- Mỗi tuần có thể tập kháng lực như nâng tạ 2-3 lần.
- Người cao tuổi nếu gặp các vấn đề xương khớp có thể chia thành nhiều lần luyện tập trong này. Người trẻ nên dành 60 phút/ ngày và tập kháng lực ít nhất 3 lần/ tuần.
- Không luyện tập gắng sức trong trường hợp huyết tương > 250-270mg/dL và ceton niệu dương tính.
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh đang có xu hướng gia tăng với số lượng lớn bởi lối sống và những thiếu sót của người dân. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này và có các biện pháp phù hợp để phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
Xem thêm
Be the first to write a comment.