Sùi mào gà sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp, do Human papilloma virus (HPV) gây nên. Hầu hết người nhiễm HPV không có biểu hiện lâm sàng, tỷ lệ có triệu chứng chỉ khoảng 1-2%. Hiểu biết về bệnh cũng như cách trị sùi mào gà là việc làm cần thiết để tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Tác nhân gây bệnh sùi mào gà là gì?
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà (Genital wart) là Human papillomavirus, gọi tắt là HPV, đây là virus thuộc nhóm có DNA. Hiện nay có trên 150 tuýp HPV trong đó ít nhất 35 tuýp gây bệnh sùi mào gà ở cơ quan sinh dục. Tuýp 6 và 11 chiếm tới 90% và không có khả năng gây ung thư.
Các tuýp 16, 18, 31, 33 và 35 có thể gây loạn sản tế bào và gây ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, vòm họng, miệng… Đặc biệt các các trường hợp nhiễm HPV tuýp 16, 18 (khoảng 70 – 80 %).
Triệu chứng sùi mào gà sinh dục
Sùi mào gà thường không có triệu chứng, do đó nhiều người không nhận biết được mình bị bệnh. Các tổn thương sùi mào gà ở nam giới thường xuất hiện dương vật, vành quy đầu, hãm dương vật, mặt trong bao quy đầu, bìu. Ở phụ nữ, tổn thương ở môi âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu đạo (lỗ tiểu), màng trinh, âm đạo và mặt ngoài cổ tử cung.
Trong đó, lỗ niệu đạo bị tổn thương ở nam gặp khoảng 20-25% và ở nữ chỉ từ 4-8% gây đau, rát, buốt khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục. Hậu môn ít gặp hơn, tuy nhiên ở những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sùi mào gà vùng quanh hậu môn thường sẽ tái phát nhiều lần.
Khi có sùi ở miệng sáo (dương vật) hoặc trong niệu đạo thường đi tiểu ra máu tươi cuối bãi và có bất thường màu sắc dòng nước tiểu. Sùi mào gà còn có thể thấy ở môi, họng, vòm họng trên người có tiền sử tình dục đường miệng.
Tổn thương sùi mào gà lúc đầu là các sẩn nhỏ bằng đầu đinh ghim, có màu hồng tươi, đỏ hoặc màu trắng hồng. Sau đó, sẩn tiến triển to dần về kích thước, sùi lên tạo thành các khối giống hoa súp lơ, bề mặt gồ ghề có thể cá màu xám trắng, xám tro. Bề mặt sẩn có thể khô hoặc trơn trượt, tiết dịch hôi thối do cọ xát và bội nhiễm vi khuẩn.
Số lượng các sẩn có khi là các tổn thương riêng rẽ, nhưng chúng thường tập trung thành các đám gây ngứa, cảm giác bỏng rát, đau hoặc chảy máu.
Đường lây của bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà lây truyền khi một người có quan hệ tình dục qua miệng, hậu môn hay âm đạo với người bị nhiễm bệnh, có thể người bệnh không biểu hiện triệu chứng. HPV còn có thể lây truyền cho trẻ sơ sinh qua đường sinh dục của mẹ, gây u nhú ở thanh quản trẻ. Virus còn có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp như dùng chung dụng cụ, đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, lây qua dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng…
Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao sùi mào gà
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su với người lạ hoặc người có các vấn đề da liễu.
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình khác nhau hoặc quan hệ đồng giới.
- Đang mắc một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoặc HIV/AIDS
- Quan hệ tình dục trong tình trạng say xỉn hay sử dụng chất kích thích, ảo giác có thể gia tăng rủi ro của vì giảm khả năng sử dụng bao cao su đúng cách.
Một số biến chứng của sùi mào gà khi không điều trị
- Ở phụ nữ, sùi mào gà ở cơ quan sinh dục có khả năng di chuyển ngược lên phía trên dân đến nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm, không loại trừ khả năng gây ung thư cổ tử cung.
- Ở phụ nữ mang thai, sùi mào gà có thể lây nhiễm sang cho thai nhi khi còn trong bụng hoặc lây cho em bé trong quá trình chuyển dạ. Với trường hợp này, đa số bác sĩ sẽ khuyến cáo mổ đẻ để tránh lây bệnh sang con.
- Ở nam giới chưa cắt bao quy đầu bị mắc sùi mào gà, nguy cơ bị ung thư dương vật sẽ cao hơn.
- Ở trẻ nhỏ bị bệnh kéo dài, trẻ có thể bị loét, xơ và có nguy cơ gây ung thư dương vật.
Chữa trị sùi mào gà như thế nào?
Nguyên tắc trị sùi mào gà
- Xét nghiệm phát hiện virus HPV và định chủng gây bệnh.
- Khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Khám và điều trị đồng thời với bạn tình.
- Dự phòng khả năng bệnh có thể tái phát và lây nhiễm.
Điều trị sùi mào gà sinh dục
Cho đến hiện nay, sùi mào gà là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh có thể mang bệnh suốt đời. Các phương thức điều trị sùi mào gà sau đây chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc loại trừ thương tổn mà không diệt được HPV. Cần thiết phải định kỳ thăm khám, trung bình khoảng 2-3 tuần/lần, liên tục trong vài tháng để điều trị triệt để các tổn thương. Các thuốc điều trị được phân làm hai loại:
Người bệnh tự bôi tại nhà, ở vùng tổn thương ngoài các vị trí quanh hậu môn, trực tràng, niệu đạo, âm đạo và cổ tử cung.
- Podophyllotoxin 0.5% dạng dung dịch hoặc kem. Đây là thuốc có thể bôi mà không cần rửa và ít gây độc toàn thân. Bôi ngày 2 lần bằng tăm bông, 3 ngày liên tiếp rồi nghỉ 4 ngày, điều trị một đợt 4 tuần.
- Kem imiquimod 5%. Người bệnh bôi bằng tay 3 lần/tuần, tới 16 tuần. Sau khi bôi 6-10 giờ phải rửa bằng nước và xà phòng nhẹ. Khám định kỳ để theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.
Điều trị tại cơ sở y tế
- Bôi dung dịch podophyllin 10-25% sau đó để khô, rửa sạch sau khoảng 1-4 giờ. Bôi 1-2 lần/tuần, trong 6 tuần. Một lần bôi tối đa 0.5 ml hoặc trên một diện tích thương tổn <10cm cho một lần điều trị. Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú.
- Trichloroacetic (TCA) hoặc bichloroacetic (BCA) 80-90% được dùng bôi các thương tổn nhỏ, ẩm ướt. Bác sĩ bôi cho người bệnh hàng tuần, trong tối đa 6 tuần. Cần phải cẩn thận khi bôi để tránh tổn hại vùng da-niêm mạc lành. Dùng bicarbonat hay vaseline bôi xung quanh thương tổn để bảo vệ vùng da xung quanh.
Các phương pháp điều trị sùi mào gà khác chỉ định khi tổn thương lớn và phụ nữ có thai
- Nạo thương tổn.
- Phẫu thuật cắt bỏ thương tổn.
- Các phẫu thuật đơn giản bằng dao, kéo hoặc laser CO2
- Đốt điện cần phải gây tê, chống chỉ định cho người bệnh đang dùng máy tạo nhịp tim, người có thương tổn ở gần hậu môn.
- Điều trị lạnh: làm phá hủy thương tổn chỉ định cho các thương tổn nhỏ. Điều trị mỗi tuần 1-2 lần trong 4-6 tuần. Sử dụng đầu áp lạnh hoặc phun nitơ lỏng, có thể cần gây tê vì điều trị lạnh gây đau.
- Tiêm interferon hoặc 5-fluorouracil hoặc cấy epinephrine gel có hiệu quả trong điều trị các thương tổn nhỏ và ít.
Tất cả các phương pháp trị sùi mào gà đều có thể gây đau, kích thích hoặc ảnh hưởng toàn thân. Nếu sau đợt điều trị 6 tuần thất bại, cần chuyển cách điều trị khác.
Theo dõi tiến triển
- Trên người có miễn dịch bình thường, khi thương tổn đã sạch và không có tác dụng phụ nào xảy ra thì không cần theo dõi.
- Trái lại, ở những người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể tái phát nên cần theo dõi định kỳ trong thời gian dài.
- Đối với phụ nữ, cần tái khám để làm phiến đồ cổ tử cung định kỳ hàng năm.
- Bệnh có thể gây loạn sản tế bào, ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư tế bào gai xâm lấn (hay gặp ở cổ tử cung và hậu môn-trực tràng).
Be the first to write a comment.